Sẵn sàng khởi công dự án đường Vành đai 4

Xã hội - Ngày đăng : 06:52, 21/04/2023

(HNM) - Xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã khẩn trương triển khai các phần việc được giao, cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ, bảo đảm khởi công dự án vào tháng 6-2023 theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đó là chia sẻ của Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cùng đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát phục vụ thiết kế Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

- Xin ông cho biết tiến độ triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội?

- Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quy mô lớn, đi qua nhiều địa phương, liên quan đến nhiều quy hoạch. Trong đó, trên địa bàn Hà Nội, gồm: Dự án thành phần 1.1 - bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 2.1 - xây dựng đường song hành và 3 - xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP). Sau khi được thành phố giao, chúng tôi đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các phần việc được giao. Đến thời điểm này, Ban đang phối hợp với Vụ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thống nhất nội dung, phạm vi đánh giá tác động môi trường đối với các khu tái định cư và đang cùng các quận, huyện liên quan phối hợp với tư vấn để bổ sung, điều chỉnh, phấn đấu phê duyệt trong tháng 4-2023. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phê duyệt báo cáo tác động môi trường với dự án xây dựng đường.

UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án thành phần 1.1 và 2.1. Trong khi đó, tư vấn tập trung thiết bị, nhân lực khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, đồng thời khẩn trương thỏa thuận với các cơ quan có liên quan khớp nối giải pháp kỹ thuật, hạ tầng hai bên tuyến đường để sớm hoàn chỉnh hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt.

Với dự án thành phần 3, dự kiến ngay trong tháng 4-2023, Ban Quản lý dự án và tư vấn hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Ông có thể thông tin cụ thể hơn về tiến độ giải phóng mặt bằng?

- Kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, 3 tỉnh, thành phố liên quan đã xây dựng kế hoạch chung và kế hoạch chi tiết của từng địa phương làm cơ sở thực hiện. Các tỉnh, thành phố đã nỗ lực rút ngắn thời gian triển khai từng phần việc; chủ động, sáng tạo cách thực hiện, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì tiến độ chung của dự án, bảo đảm không để xảy ra tiêu cực. Đến nay, đa phần người dân đồng thuận và ủng hộ dự án, nhiều hộ dân chưa nhận tiền đền bù vẫn tự nguyện di chuyển mồ mả để bàn giao mặt bằng. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã giải phóng mặt bằng 364,66/798,043ha, đạt 45,69%; di chuyển 5.645/10.911 ngôi mộ, đạt 51,92%, dự kiến tháng 6-2023 bàn giao được khoảng 70% diện tích và trước ngày 31-12-2023 bàn giao 100% diện tích.

- Thực tế triển khai các dự án cao tốc thời gian qua cho thấy, nhiều dự án thiếu nguyên, vật liệu dẫn tới chậm tiến độ. Vấn đề này sẽ được khắc phục như thế nào ở Dự án đường Vành đai 4?

- Theo báo cáo của tư vấn, trữ lượng và công suất các mỏ đã khảo sát hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu vật liệu thông thường của toàn dự án trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, cự ly vận chuyển vật liệu đến nơi thi công khá xa (trong khoảng 50-80km). Để giải quyết khó khăn này, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng địa bàn có thể cung cấp vật liệu cho dự án (ngoài Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) được áp dụng cơ chế đặc thù; cho phép nhà đầu tư dự án thành phần 3 được hưởng chính sách đặc thù liên quan đến vật liệu xây dựng.

Ban Chỉ đạo cũng đã thống nhất giao tư vấn và các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng phương án mỏ vật liệu để đưa vào hồ sơ khảo sát, trong đó phải thể hiện đầy đủ địa chỉ từng mỏ, công suất, khả năng khai thác, sản lượng theo tiến độ, bảo đảm nguyên tắc ưu tiên sử dụng các mỏ gần nhất, dễ khai thác nhất và có giá thành rẻ nhất.

- Chính phủ đã yêu cầu khởi công dự án trước ngày 30-6-2023. Liệu yêu cầu này có thực hiện được khi thời gian không còn nhiều?

- Chúng tôi đang cùng các sở, ngành, địa phương liên quan nỗ lực triển khai theo kế hoạch, để bảo đảm khởi công dự án đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo kế hoạch, dự kiến trên địa bàn Hà Nội sẽ khởi công tại 4 vị trí. Cụ thể là: Vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với quốc lộ 2 tại Km1+444 thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (gói thầu số 08/TP2-XL); vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng tại Km28+000 thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức (gói thầu số 09/TP2-XL); vị trí giao cắt giữa trục phía Nam tại Km45+700 thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, cách đường Vành đai 3 khoảng 11km (gói thầu số 10/TP2-XL); vị trí tuyến nối đê trục Thường Tín tại Km56+750, thuộc địa phận xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (gói thầu số 11/TP2-XL). Riêng gói thầu số 11/TP2-XL sẽ không kịp khởi công trong tháng 6-2023 do vướng thỏa thuận thiết kế kỹ thuật với tuyến đường sắt Bắc - Nam, dự kiến sẽ khởi công chậm hơn các gói thầu khác khoảng 3 tháng. Hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên cũng đang rất nỗ lực để có thể khởi công đồng loạt các dự án trong tháng 6-2023.

- Trân trọng cảm ơn ông.

Tuấn Lương