Kết nối, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản an toàn
Nông nghiệp - Ngày đăng : 13:21, 10/11/2022
Cần thiết phải liên kết chuỗi
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh Ngô Văn Lệ, đến nay, huyện Đông Anh có 40 mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín, trong đó, 10 tổ chức, cá nhân thực hiện ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn và hoa lan với diện tích 2,45ha; sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGAP, sản xuất hữu cơ với 20ha. Ngoài ra, huyện đã hình thành vùng trồng hoa - cây cảnh với diện tích 150ha; vùng cây ăn quả được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất quả an toàn với diện tích khoảng 50ha...
Cùng với phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi, huyện Đông Anh còn tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, huyện đã triển khai xây dựng được 4 nhãn hiệu tập thể, gồm: Gạo nếp cái hoa vàng xã Thụy Lâm; đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà; vùng sản xuất quất Tàm Xá; sản phẩm đậu làng Chài, xã Võng La...
Nhìn chung, việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn không chỉ giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang hiện đại, tạo các mặt hàng nông sản chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn giúp các ngành chức năng giám sát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Nói về sự cần thiết trong liên kết nông nghiệp, ông Ngô Sỹ Đạt - Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp cho biết, trước đây, nông dân chỉ lo sản xuất, thói quen có lãi là làm, điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, không ổn định; không có liên kết, không thiết lập được kênh phân phối bền vững, không bảo đảm an toàn thực phẩm... dẫn tới nông sản "được mùa - mất giá". Do đó, cần thiết phải liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản để giảm rủi ro cho nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ, tiếp cận được với các kênh tiêu thụ hiện đại, kiểm soát chất lượng đầu vào, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm...
Còn theo ông Hà Tiến Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, đến nay, toàn thành phố đã xây dựng và duy trì 159 chuỗi sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, tăng 18 chuỗi so với cùng kỳ năm 2021. Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nông dân không phải vất vả tìm đầu ra, giá trị sản phẩm tăng 10-20% so với sản xuất thông thường.
Ông Đào Công Quát - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có mô hình sản xuất nếp cái hoa vàng cho giá trị kinh tế cao. Nhờ sản xuất theo chuỗi đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón, giảm sâu bệnh và đặc biệt là góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cho lúa.
Tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất an toàn
Hiệu quả của việc xây dựng phát triển theo chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản đã rõ, nhưng trong quá trình thực hiện còn khó khăn do các chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô liên kết nhỏ, sản lượng thấp, chủ yếu là sản phẩm tươi sống, việc liên kết giữa các doanh nghiệp với người sản xuất đôi khi còn lỏng lẻo, dẫn tới tình trạng phá hợp đồng thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, liên kết sản xuất còn rời rạc, sản xuất theo chuỗi quy mô còn nhỏ, diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều...
Để tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi an toàn trên địa bàn thành phố nói chung và huyện Đông Anh nói riêng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh Ngô Văn Lệ cho biết, huyện tiếp tục có chính sách hỗ trợ hợp tác xã, hộ nông dân về sản xuất theo chuỗi liên kết, xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Hội Nông dân huyện tăng cường các giải pháp xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình tiên tiến, nhất là ở các lĩnh vực ngành nghề mới, tạo điều kiện mở rộng quy mô, phạm vi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông, lâm, thủy sản và thực phẩm an toàn.
Các đại biểu dự hội nghị cho rằng, để nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết giá trị, các sở, ngành tham mưu thành phố sớm triển khai một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân về xây dựng thương hiệu sản phẩm, tem nhãn để truy xuất nguồn gốc trên thị trường.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Hà Tiến Nghi cho rằng, Đông Anh cần tiếp tục vận động hội viên nông dân sản xuất theo hướng an toàn; đồng thời giám sát việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn; hướng dẫn nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...