Đề xuất giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan tại các huyện
Kiến trúc - Ngày đăng : 17:41, 20/04/2023
Theo KTS Lã Hồng Sơn, Phó trưởng phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh và nông thôn (Sở Quy hoạch - Kiến trúc), các quy định pháp luật liên quan chưa chuẩn hoá và đồng bộ; tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ quản lý còn chậm, công cụ quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan còn thiếu; số lượng quy hoạch tại các huyện dàn trải, thiếu trọng tâm… là những vấn đề tồn tại.
Vì vậy, việc tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đối với quản lý quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, di sản, công trình tôn giáo, tín ngưỡng; vận động người dân hiến đất mở đường; xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng... là những giải pháp có hiệu quả.
Đề tài nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp, mô hình quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan tại 17 huyện theo phân nhóm vị trí và mật độ dân số.
PGS.TS Phạm Hùng Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nêu, do thiếu quy định quản lý nên các huyện hiện đang thiếu đi các đặc trưng cảnh quan. Các khu vực bảo tồn cảnh quan, hệ thống cây xanh không được đề xuất, chất lượng môi trường vì vậy cũng chưa được bảo đảm.
“Ngoài 2 vùng đô thị và nông thôn, có thể chia theo điều kiện địa hình tự nhiên sông, hồ, gò đồi; vùng cảnh quan đồng ruộng, rừng, cây trồng lâu năm…”, PGS.TS Phạm Hùng Cường đề xuất.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận, hiện nay mô hình làng xã còn mang đậm dấu tích truyền thống với kiến trúc, cảnh quan riêng biệt tạo thuận lợi để phát triển văn hóa phi vật thể. Cần nhận diện di sản văn hóa từng huyện, từng làng xã để có giải pháp thích hợp trong quy hoạch. Bộ máy quản lý xây dựng cũng cần gắn với chủ trương phân cấp, ủy quyền của thành phố...