Lồng ghép kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với phòng, chống thiên tai
Đời sống - Ngày đăng : 17:45, 20/04/2023
Hội nghị do Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức chiều 20-4, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội, có Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.
Bất thường, trái quy luật, thiệt hại lớn
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Năm 2022, trên phạm vi toàn quốc, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền của cả nước với 1.072 trận. Trong đó, có 7 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới, 258 trận dông, lốc, mưa lớn, 286 trận động đất, 310 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất... Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại…
Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, người dân đã chủ động phòng ngừa, ứng phó nhưng năm 2022, thiên tai làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021). Từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, năm 2022, thiên tai đã làm 4 người chết (do sét đánh), 30 ngôi nhà bị ngập, sập đổ; gần 9.000ha lúa bị thiệt hại, gần 2.500ha hoa và rau màu bị ảnh hưởng, hơn 200 cây xanh gãy đổ, hơn 100 gia súc và 36.500 gia cầm bị chết, cuốn trôi; hơn 600ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; gây ra 39 sự cố làm 2.400m đê, kè bị sạt lở, hư hỏng...
Để khắc phục nhanh hậu quả, bảo đảm đời sống người dân vùng xảy ra thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 1.800 tỷ đồng, xuất cấp 4.171 tấn gạo và nhiều vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Các lực lượng vũ trang, từ năm 2022 đến nay, đã điều động 235.905 lượt người và 21.682 lượt phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn 5.464 vụ, cứu được 5.542 người và 349 phương tiện; di dời 32.142 hộ dân đến nơi an toàn, khắc phục 4.473 nhà dân và 198km đường giao thông bị hư hỏng; giúp nhân dân thu hoạch 23.540ha lúa, hoa màu, dập cháy 765 ngôi nhà và 815ha rừng...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp 2 tấn hạt giống rau, 3.996 tấn hạt giống lúa, 90 tấn hạt giống ngô, 80.000 liều vắc xin, 500 tấn và 130.500 lít thuốc, hóa chất sát trùng cho các địa phương để kịp thời phục hồi sản xuất...
Dành nhiều nguồn lực hơn cho phòng, chống thiên tai
Thông tin tại hội nghị về tình hình thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Hồng Thái cho biết: Từ nay đến cuối năm, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 11-13 cơn bão, trong đó5-7 cơn bão có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Từ tháng 7 đến tháng 9, khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều trận mưa, lũ và đỉnh lũ trên các sông lớn có thể đạt mức báo động cấp I - cấp II, các sông nhỏ đạt cấp II - cấp III... Khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.
Tham luận tại hội nghị, các địa phương, cơ quan chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp hiệu quả hơn trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm tổn thất do thiên tai gây ra trong thời gian tới...
Đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và người dân trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng chỉ ra nhiều hạn chế. Phó Thủ tướng yêu cầu: Tiếp tục xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trong đó, phải tập trung cho phòng ngừa, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai…
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng yêu cầu dành nhiều hơn nguồn lực cho phòng, chống thiên tai; lồng ghép các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội với phòng, chống thiên tai.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ thành phố triển khai các giải pháp công trình nhằm xóa bỏ trọng điểm phòng, chống lụt, bão và các quy hoạch phòng, chống lũ, hệ thống đê điều sông Hồng, sông Đáy theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016 và Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7-10-2014.