Hiểu cho đúng về bảo hiểm nhân thọ

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:38, 20/04/2023

(HNM) - Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm, chấn chỉnh việc quản lý đại lý bảo hiểm và chăm sóc khách hàng, rà soát quy trình bán hàng, thẩm định, quy trình dịch vụ khách hàng… Cuộc làm việc diễn ra sau khi một nghệ sĩ có tiếng bày tỏ sự bức xúc về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trên mạng xã hội, đã thu hút sự quan tâm của dư luận và cơ quan quản lý.

Thực ra lâu nay, nhiều vấn đề liên quan đến mua bán, cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ đã được đề cập. Điển hình nhất là nhiều người mua coi bảo hiểm như khoản đầu tư trong khi thực tế bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Vì vậy, lợi nhuận chỉ được trả sau khi người tham gia bảo hiểm đóng tiền trong một thời gian dài, thường là 10-20 năm. Người mua sẽ chịu thiệt, thậm chí không được hoàn lại số tiền đã đóng khi dừng hợp đồng sớm trước thời hạn.

Thứ nữa, hầu hết vấn đề phát sinh đều do nhân viên tư vấn truyền đạt thông tin thiếu, sai hoặc cố tình đánh lừa khách hàng, nhằm bán bằng được bảo hiểm. Gần đây, khi nhiều ngân hàng bán sản phẩm bảo hiểm, có thêm tình trạng nhân viên tư vấn bán xong bảo hiểm là hết trách nhiệm hoặc tư vấn không rõ ràng khiến khách hàng hiểu nhầm đây là khoản đầu tư thông qua ngân hàng. Chưa kể, hợp đồng bảo hiểm rất dài, nhiều từ ngữ chuyên ngành, khó hiểu nếu không được giải thích cặn kẽ hoặc tìm hiểu thấu đáo, người mua không hiểu hết quyền và nghĩa vụ. Chỉ đến khi xảy ra vấn đề, người mua yêu cầu quyền lợi thì mới nhận được giải thích không như tư vấn ban đầu, thậm chí nhiều trường hợp bị áp dụng điều khoản loại trừ để từ chối thanh toán.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, cơ quan quản lý đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm công khai thông tin, nội dung khách hàng cần lưu ý với từng sản phẩm; kiểm soát tài liệu giới thiệu sản phẩm, xử lý đại lý tự ý thay đổi thông tin tài liệu dẫn đến sự nhầm lẫn của khách hàng. Doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của khách hàng; giải quyết kịp thời, nhanh chóng quyền lợi của khách hàng, không để phát sinh khiếu kiện kéo dài; bổ sung chế tài xử lý đại lý bảo hiểm vi phạm nguyên tắc hoạt động, vi phạm các nghĩa vụ của đại lý theo quy định của pháp luật… Cùng với đó, doanh nghiệp phải có kế hoạch truyền thông về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ; xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực áp dụng chung cho các doanh nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý, yêu cầu đặt ra là hoàn thiện quy định, hành lang pháp lý đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, với doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bán bảo hiểm; gắn trách nhiệm của đại lý với nhân viên tư vấn, trách nhiệm của doanh nghiệp với đại lý bán bảo hiểm; kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng; xử lý nghiêm khắc cá nhân, đơn vị tư vấn sai, tư vấn mập mờ gây hiểu nhầm giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng.

Quan trọng hơn cả, khách hàng phải tìm hiểu kỹ sản phẩm bảo hiểm, yêu cầu tư vấn giải thích cặn kẽ nội dung chưa hiểu, chưa rõ ràng; không quyết định vội vàng khi chưa hiểu kỹ về hợp đồng, quyền lợi, trách nhiệm của bản thân và các bên liên quan… Đặc biệt, người mua phải hiểu đúng bản chất của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ là bảo vệ sức khỏe chứ không phải là khoản đầu tư tìm kiếm lợi nhuận tức thời. Khi hiểu đúng, khách hàng sẽ chọn được sản phẩm phù hợp vừa giúp bảo vệ bản thân trước rủi ro vừa có cơ hội gia tăng tài sản trong tương lai và chấp nhận tham gia với kế hoạch lâu dài.

Gia Khánh