Kiểm tra bếp ăn trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Xã hội - Ngày đăng : 13:14, 19/04/2023

(HNMO) - Ngày 19-4, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023.

Tại đây, Đoàn đã tiến hành kiểm tra bếp ăn tập thể tại Trường Tiểu học Phúc Tân (số 12 phố Phúc Tân, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm). Hiện, bếp ăn của trường cung cấp mỗi ngày hơn 500 suất ăn.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố kiểm tra bếp ăn của Trường Tiểu học Phúc Tân.

Qua ghi nhận thực tế, tại thời điểm kiểm tra, khu vực bếp ăn của nhà trường bảo đảm sạch sẽ, trang bị đầy đủ trang thiết bị như: Tủ sấy tiệt trùng dụng cụ, bát đĩa; kệ giá, khay đựng thực phẩm; nhân viên chế biến cũng được trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, mũ… Ngoài ra, hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của bếp ăn đều đáp ứng đầy đủ; người tham gia chế biến được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu nhà trường cần sắp xếp lại bếp ăn, bảo đảm theo quy trình một chiều và thông thoáng hơn. Ngoài ra, qua xét nghiệm nhanh các khay ăn, đoàn kiểm tra cũng phát hiện có 2/10 khay ăn còn có tinh bột bám dính.

Xét nghiệm nhanh khay đựng thực phẩm tại Trường Tiểu học Phúc Tân.

Báo cáo với đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian qua, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn quận hiện có 2.702 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong quý I-2023, toàn quận đã tổ chức kiểm tra 877 cơ sở, qua đó xử phạt 63 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 291 triệu đồng. Ngoài ra, thu giữ, tiêu huỷ hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng thực phẩm trị giá hơn 200 triệu đồng. Riêng trong những ngày đầu của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), quận đã kiểm tra được 60 cơ sở, xử phạt 7 cơ sở vi phạm với số tiền 11,5 triệu đồng.

Theo bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm, qua công tác triển khai, quận cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại tuyến phường còn mỏng, nhân sự thường xuyên thay đổi nên khó tập trung cho công tác an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn có diện tích nhỏ, hẹp. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh cùng một địa điểm, một số cơ sở kinh doanh không cố định, mở bán hàng vào buổi đêm gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra cơ sở.

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phát biểu tại buổi kiểm tra.

Trực tiếp kiểm tra và làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đề nghị, đối với vấn đề an toàn thực phẩm tại trường học, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các nhà trường cần tăng cường giám sát nguồn nguyên liệu đầu vào hằng ngày và tổ chức các đoàn kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm mà đơn vị ký hợp đồng cung cấp cho trường.

“Không chỉ trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, quận Hoàn Kiếm cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm về an toàn thực phẩm xuyên suốt trong năm. Qua đó, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm”, ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.

Thu Trang