Thành phố Thủ Đức: Cần thí điểm tăng quyền
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 07:48, 19/04/2023
Cơ chế chưa thuận lợi
Thành phố Thủ Đức được Quốc hội chính thức thông qua quyết định thành lập từ ngày 1-1-2021, trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức của thành phố Hồ Chí Minh và là thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước.
Thành phố có 34 phường và 168 đơn vị sự nghiệp công lập, diện tích lên đến hơn 211km2, dân số khoảng 1,2 triệu người và thường xuyên có khoảng 400.000 người tạm trú. Như vậy, quy mô dân số của thành phố Thủ Đức ngang với thành phố Đà Nẵng. Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước của thành phố Thủ Đức là hơn 19,8 nghìn tỷ đồng, gần bằng tỉnh Nghệ An (hơn 20,2 nghìn tỷ đồng).
Theo Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng, điều hành một lượng công việc khổng lồ như vậy, nhưng bộ máy chính quyền của thành phố Thủ Đức chỉ như cấp huyện, dẫn tới vừa quá tải, vừa không chủ động. Đơn cử, Phòng Quản lý đô thị thành phố Thủ Đức có 56 cán bộ, đang thực hiện chức năng, lĩnh vực của 3 Sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông - Vận tải. Đơn vị này chịu trách nhiệm quản lý hơn 6.100 tuyến đường và 117 cầu với tổng chiều dài hơn 915km; 64 công viên với tổng diện tích hơn 354km2, 5.220 cây xanh.
Trong năm 2022, phòng đã giải quyết gần 8.000 hồ sơ hành chính các loại. Ngoài ra, cấp phép xây dựng cũng là một lượng công việc lớn cũng thuộc nhiệm vụ của đơn vị này... Tương tự, các phòng, ban, đơn vị khác của thành phố Thủ Đức cũng đang phải giải quyết số lượng công việc chiếm tới 15% tổng lượng việc của 22 đơn vị cấp huyện tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trước tình hình này, thành phố Thủ Đức có nhu cầu rất lớn về bổ sung nhân sự và thành lập các đơn vị chuyên môn đặc thù, giúp việc cho các cấp quản lý, nhưng quy định hiện hành không cho phép.
Cũng theo ông Hoàng Tùng, trong nhiều lĩnh vực, dù thành phố Thủ Đức có thể giải quyết được, nhưng lại thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố và các sở, ngành của thành phố Hồ Chí Minh. Việc phối hợp xử lý công việc thường diễn ra lâu, do các cơ quan cấp trên có nhiều việc, phải bao quát phạm vi thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi, theo quy định hiện hành, những cơ quan này không thể ủy quyền cho thành phố Thủ Đức thực hiện.
5 đề xuất cụ thể
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang kiến nghị Trung ương xem xét, ban hành chính sách đặc thù cho thành phố Thủ Đức để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ, với 5 nội dung cụ thể. Trước hết là HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh được giao một số chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức trong các lĩnh vực: Quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý kinh tế; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa xã hội; tổ chức, bộ máy quản lý hành chính của chính quyền đô thị và cán bộ, công chức, viên chức. Cơ chế này nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tăng thẩm quyền cho bộ máy nhà nước của thành phố Thủ Đức.
Tiếp đến, HĐND thành phố Hồ Chí Minh cần được quyết định giao một số chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành cho UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức; cho phép các cấp này được ủy quyền cho thủ trưởng các đơn vị cấp dưới có quyền hạn thực hiện một số nhiệm vụ. Ngoài ra, HĐND thành phố Hồ Chí Minh được quyết định tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn trực thuộc thành phố Thủ Đức; quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường dựa trên tính chất, quy mô thực tế.
Cùng với đó, HĐND thành phố Thủ Đức cần được có 2 phó chủ tịch (hiện có 1) và có không quá 8 đại biểu chuyên trách; được thành lập Ban Đô thị. Mục tiêu là nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chất vấn, phản biện chuyên sâu về các vấn đề cử tri quan tâm. UBND thành phố Thủ Đức có không quá 4 phó chủ tịch (thay vì 3 như hiện tại). Các đơn vị ngành dọc hoặc trực thuộc có không quá 4 cấp phó. UBND thành phố Thủ Đức được thành lập, giải thể, tổ chức lại các đơn vị trực thuộc; được thành lập: Trung tâm Phát triển quỹ đất, Thanh tra Xây dựng và Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Việc tăng quyền cho thành phố Thủ Đức sẽ tạo sự chủ động trong quản lý, điều hành, hỗ trợ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là động lực để Thủ Đức đáp ứng mục tiêu đóng góp 30% GRDP của thành phố Hồ Chí Minh và chiếm 7% GDP cả nước. Việc thí điểm tăng quyền cho thành phố Thủ Đức sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình thành phố thuộc thành phố tại địa phương khác”.