Quận Tây Hồ cần quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm pháp luật đê điều
Đời sống - Ngày đăng : 19:46, 18/04/2023
Kiểm tra thực tế công tác xử lý vi phạm pháp luật đê điều, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an thành phố Hà Nội đề nghị quận Tây Hồ cần quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn tình trạng đổ đất thải, phế thải xây dựng xuống lòng sông, hành lang thoát lũ sông Hồng...
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du, quận Tây Hồ là một trong những trọng điểm của thành phố về vi phạm pháp luật đê điều những năm gần đây. Nổi cộm tại phường Phú Thượng là tình trạng trồng cây, dựng lều lán xâm hại kè Phú Gia; tại phường Yên Phụ là xây dựng công trình kiên cố tại các ngõ thuộc khu tập thể F361; tại các phường: Nhật Tân, Tứ Liên là đổ đất, phế thải xây dựng vào bãi sông Hồng, dựng hàng rào bằng tôn, xây dựng công trình tạm...
“Những hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật đê điều, phòng chống thiên tai mà còn trực tiếp cản trở dòng chảy sông Hồng, đe dọa an toàn tuyến đê cấp đặc biệt bảo vệ Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của cả nước...”, ông Nguyễn Duy Du đánh giá.
Chấn chỉnh tình trạng này, tháng 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu quận Tây Hồ và cơ quan liên quan xử lý nghiêm vi phạm, có biện pháp ngăn chặn, không để phát sinh vi phạm mới...
Báo cáo về kết quả chỉ đạo, xử lý vi phạm pháp luật đê điều, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, quận xác định công tác xử lý vi phạm pháp luật đê điều, đất đai, trật tự xây dựng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Quận cũng đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí thường vụ, phụ trách địa bàn trực tiếp chỉ đạo các phường xử lý vi phạm pháp luật đê điều ngoài bãi sông. Định kỳ hai tuần một lần, Ban Thường vụ Quận ủy họp nghe báo cáo, chỉ đạo về xử lý vi phạm pháp luật đê điều...
Sau hơn một tháng thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật đê điều, đến nay, phường Phú Thượng đã giải tỏa toàn bộ vi phạm trong phạm vi bảo vệ kè Phú Gia, đoạn từ Bến Bạc đến Nhà hàng Tre Place. Phường Phú Thượng đã tháo dỡ 5 công trình với tổng diện tích 171m2, 159m hàng rào làm bằng tôn, 1 cổng sắt, 4 lều gỗ...
Phường Yên Phụ đã vận động một gia đình tự tháo dỡ công trình xây dựng trong hành lang thoát lũ; đang hoàn thiện quy trình tháo dỡ 4 công trình còn lại.
Phường Nhật Tân đã lập biên bản, phạt 3,5 triệu đồng và yêu cầu 1 trường hợp vi phạm tự bốc xúc, di chuyển 148,5m3 đất thải, phế thải xây dựng ra khỏi lòng sông; tháo dỡ cầu phao, dừng triệt để hoạt động tự phát kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí, cắm trại tại bãi giữa sông Hồng, đoạn cuối ngõ 264 phố Âu Cơ; tổ chức thanh thải 2.863m3 đất thải, phế thải xây dựng tại 3 vị trí lòng sông...
Tại phường Tứ Liên, khu vực cuối ngõ 310 Nghi Tàm, quận Tây Hồ đã chỉ đạo phá dỡ 11 công trình tạm với tổng diện tích 395m2; dỡ bỏ 10 cổng sắt, 121m hàng rào làm bằng tôn, thanh thải 200m3 đất thải, phế thải bị đổ trộm ra khỏi lòng sông. Tại khu vực vườn quất và đê quai, phường Tứ Liên đã tháo dỡ 70m rào làm bằng tôn. Khu vực cuối ngách 39/76 An Dương, phường Tứ Liên đã thanh thải 913m3 đất thải, phế thải xây dựng, tháo dỡ 2 nhà khung sắt và 150m rào làm bằng tôn. Địa phương này đã dựng mố bê tông ngăn phương tiện đổ trộm đất thải, phế thải vào lòng sông, bãi sông...
Kiểm tra thực tế tại địa bàn các phường: Phú Thượng, Yên Phụ, Nhật Tân, Tứ Liên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Quyến và đại diện Công an thành phố Hà Nội đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của quận Tây Hồ trong xử lý các vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn.
“Ngoài xử lý triệt để vụ việc phát sinh, quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch và bắt đầu xử lý dứt điểm những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước. Trên địa bàn quận hiện còn nhiều công trình xây dựng nhà ở trong hành lang thoát lũ, nhiều vị trí bãi sông, lòng sông chưa thanh thải đất thải, phế thải xây dựng... Thời gian tới, quận Tây Hồ cần có giải pháp mạnh hơn, như không cung cấp điện sinh hoạt cho các hộ xây dựng công trình nhà ở, kinh doanh ngoài bãi sông vi phạm pháp luật đê điều...”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Quyến gợi mở giải pháp.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các cấp, các ngành, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, quận chỉ đạo các phường có đất bãi sông lập chốt, bố trí lực lượng tại các cửa khẩu, tăng cường tuần tra để ngăn chặn, xử lý nghiêm phương tiện vận chuyển đất thải, phế thải xây dựng đổ xuống lòng sông, bãi sông; thu hồi diện tích bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về pháp luật đê điều, phòng, chống thiên tai...
“Ngoài những giải pháp trên, quận cũng đề nghị các sở, ngành liên quan báo cáo, tham mưu UBND thành phố cho phép quận Tây Hồ lập quy hoạch, tổ chức đấu giá quyền thuê bãi sông để sản xuất nông nghiệp, như: Trồng đào, quất cảnh, hoa... vừa phục vụ nhu cầu của người dân vừa tăng thêm ngân sách, đặc biệt là ngăn chặn hiệu quả việc đổ trộm đất thải, phế thải xây dựng xuống lòng sông, hành lang thoát lũ...”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh kiến nghị.