Tháo gỡ vướng mắc về chính sách, pháp luật trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Công nghệ - Ngày đăng : 16:18, 18/04/2023
Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Mai Kim Liên cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022. Tiếp đến, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành nhiều văn bản quy định mới trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, như: Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7-1-2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định số 1-2022/QĐ-TTg ngày 18-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và Thông tư số 1-2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu...
Tại hội nghị, Cục Biến đổi khí hậu còn phổ biến thông tin về nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam và các quy định pháp luật đã được ban hành; các quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; phát triển thị trường các-bon trên thế giới và các quy định pháp luật về phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam; hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính đối với doanh nghiệp.
Trên cơ sở các thông tin, đại diện các doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận và kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp luật trong ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đại diện doanh nghiệp cũng đề xuất cần có thêm các hoạt động tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải khí nhà kính, trao đổi tín chỉ các-bon trong thời gian tới...