AI sẽ thay đổi toàn diện thương mại điện tử
Kinh tế - Ngày đăng : 14:26, 18/04/2023
Đó là thông tin được bàn thảo tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2023 (VOBF 2023) với chủ đề “Thương mại điện tử thông minh” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức tại Hà Nội, sáng 18-4.
Diễn đàn thu hút hơn 2.500 cá nhân, đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam và quốc tế.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, diễn đàn là sự kiện thường niên được VECOM thực hiện từ năm 2017 đến nay. VOBF 2023 lựa chọn chủ đề “Thương mại điện tử thông minh - Smart ecommerce”, trong đó, công nghệ thông minh, giải pháp thông minh là hai khía cạnh quan trọng nhất.
“Thương mại điện tử thông minh sẽ trở nên nổi bật trong năm 2023 khi AI được xem là một xu hướng phát triển tất yếu. Ứng dụng AI sẽ làm thay đổi toàn diện ngành thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Dũng nhấn mạnh.
Bà Lê Minh Trang, đại diện Nielsen Việt Nam cho biết, hiện xu hướng phổ biến là người tiêu dùng mua sắm theo cách thông minh hơn gắn với lối sống “lạc quan trong thận trọng”. Nghiên cứu của Nielsen tập trung vào nhóm người tiêu dùng có thu nhập phục hồi sau đại dịch và nhóm người thận trọng trong mua sắm (cũng là nhóm người tiêu dùng chiếm phần lớn thị trường) cho thấy, họ chọn mua tại các cửa hàng có mức giá thấp hơn, chuyển sang mua sắm online để tiết giảm chi phí, chủ yếu mua hàng hóa thiết yếu và các nhãn hàng tự sản xuất để có mức giá thấp.
Việc số hóa hoạt động kinh doanh, ứng dụng thương mại điện tử thông minh cũng là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Ông Đỗ Hữu Hưng, Giám đốc điều hành ACCESSTRADE Việt Nam, cho biết, thương mại điện tử không chỉ giới hạn trong bán hàng hóa mà mở rộng tới mảng bán các dịch vụ. Bên cạnh đó, việc kinh doanh trên thương mại điện tử đã mở rộng tới nhiều kênh, trong đó có 4 kênh chính: Bán hàng qua hoạt động marketing; mở shop trên mạng xã hội; mở cửa hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử và điểm bán quét QR…
Khẳng định, giờ đây bán lẻ hàng hóa phải đi kèm công nghệ, bà Lê Minh Trang cho rằng, làm thương mại điện tử cần thích ứng, nắm bắt tâm lý tiêu dùng và có giải pháp phù hợp. Thống kê cho thấy, tốp 30% nhà sản xuất đóng góp 80% lượng sản phẩm bán ra trên thương mại điện tử. Người tiêu dùng đặt niềm tin và mua sắm sản phẩm của các thương hiệu lớn, sản phẩm có tính địa phương cao. Đây là điều nhà bán hàng cần lưu ý. Ngoài ra, doanh nghiệp, nhà bán hàng cần quan tâm khu vực nông thôn, nơi thương mại điện tử vẫn chưa phổ biến như thành thị...
Tại diễn đàn, các ý kiến cũng tập trung sâu về các xu hướng thương mại điện tử hiện nay và tương lai, các mô hình kinh doanh, giải pháp tài chính thông minh cho thương mại điện tử hay phương pháp tăng trưởng đơn hàng thông minh trên Amazon dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu trực tuyến...