Tái hiện điện Kính Thiên phải trên nguyên tắc khoa học và đồng thuận
Văn hóa - Ngày đăng : 13:30, 18/04/2023
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Tham dự có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Dương Đức Tuấn, Vũ Thu Hà...
Vẫn khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng
Mở đầu, hội nghị đã nghe Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang và Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên báo cáo tình hình Dự án bảo tồn, tôn tạo tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa.
Theo đó, HĐND thành phố đã thông qua và ban hành các nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư với 4 dự án, gồm: Dự án bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; Dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đền An Dương Vương, Giếng Ngọc; Dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đình Ngự Triều Di Quy và Am Mỵ Châu; Dự án xây dựng đền thờ Đức vua Ngô Quyền.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và UBND huyện Đông Anh đang triển khai lập, trình phê duyệt dự án. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng đã thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với 3 dự án: Dự án chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng và hai hộ gia đình lão thành cách mạng bàn giao (giai đoạn II); Dự án Tái hiện không gian và chính điện Kính Thiên (hạ giải Nhà Cục tác chiến, Nhà Con Rồng); Dự án Bảo tồn phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa.
Đồng thời, trung tâm cũng đang thực hiện Dự án chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng và hai hộ gia đình lão thành cách mạng bàn giao (giai đoạn I, bảo tồn tòa nhà Vaxuco để làm Khu trưng bày Hoàng cung Thăng Long) dự kiến hoàn thành trong quý IV-2023. Trong khi đó, Dự án bảo tồn Nhà Cục tác chiến đã tạm dừng từ năm 2018 và hiện đang đề xuất phương án hạ giải để hoàn trả mặt bằng không gian điện Kính Thiên...
Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án tại Hoàng thành Thăng Long vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, chủ yếu liên quan đến thực hiện cam kết với Ủy ban Di sản thế giới, hoàn thiện hồ sơ đệ trình Trung tâm Di sản thế giới và công tác giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, liên quan đến các công trình của Bộ Quốc phòng, đến nay, tiến độ xây dựng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (mới) tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm rất chậm, khó hoàn thành trong năm 2023 để di chuyển, bàn giao di sản cho thành phố. Công tác bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng khu đất 20ha tại phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm để bàn giao cho Bộ Quốc phòng xây dựng Trung tâm thể thao Quân đội cũng chưa hoàn thành...
Đối với dự án Đền thờ Ngô Quyền, vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa thống nhất được vị trí xây dựng.
Xác định rõ lộ trình, bước đi
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã làm rõ hơn tình hình triển khai, những khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án và đề xuất giải pháp trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, trong 3.500 di tích được công nhận cấp quốc gia, Hà Nội có hơn 1.200 di tích, chiếm hơn 1/3. Hà Nội cũng lưu giữ một khối lượng văn hóa phi vật thể lớn, có sự đa dạng và phong phú trong các loại hình di tích của cả nước.
"Có thể nói, thành phố Hà Nội đang giữ gìn, bảo tồn cho đất nước khối lượng di sản văn hóa khổng lồ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao thời gian qua, Hà Nội đã quan tâm, đầu tư tu bổ di tích. Vừa qua, Bộ đã đọc và thẩm định 260 dự án bảo tồn di tích; đây là khối lượng lớn nhất từ trước đến nay", đồng chí Hoàng Đạo Cương nói.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt và trách nhiệm của Hà Nội trong việc triển khai một cách bài bản, khoa học đối với Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; đồng thời khẳng định, Bộ sẽ luôn đồng hành với thành phố.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã đề xuất với Trưởng ban Chỉ đạo hàng loạt giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của dự án như bổ sung thành viên Ban chỉ đạo; xây dựng kế hoạch, lộ trình làm việc với UNESCO, coi đây là việc ưu tiên số 1; tổ chức làm việc với Bộ Quốc phòng để xác định lộ trình di dời các cơ sở trong Hoàng thành Thăng Long bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, có hai việc phải làm ngay, một là bổ sung yếu tố chuyên môn về di sản cho huyện Đông Anh để triển khai xây dựng Đền thờ Ngô Quyền và các dự án tại Khu di tích Cổ Loa; đồng thời, tăng cường nhân sự có chuyên môn về quản lý đầu tư dự án cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội để triển khai các dự án tại Hoàng thành Thăng Long.
Phát huy nguồn lực văn hóa to lớn
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là việc làm thiết thực, cụ thể hóa kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, cũng như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thành phố tập trung chỉ đạo các dự án này chính là nhằm phát huy nguồn lực văn hóa to lớn của Thăng Long - Hà Nội, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nhất trí với các báo cáo và ý kiến thảo luận, Bí thư Thành ủy ghi nhận, đánh giá cao kết quả công việc của Ban Chỉ đạo thời gian qua, nhất là những chuyển biến rõ nét về công tác phối hợp, kết quả nghiên cứu khoa học, tinh thần đồng thuận cao của các bộ, ngành và thành phố, cũng như của các chuyên gia trong nước và quốc tế... đối với các dự án tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu, đưa các nội dung đề xuất của Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh vào thông báo kết luận để chỉ đạo tổ chức thực hiện ngay.
Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án tái hiện điện Kính Thiên và Dự án đền thờ Ngô Quyền, Bí thư Thành ủy đã lưu ý một số yêu cầu quan trọng. Đối với Dự án tái hiện điện Kính Thiên, việc triển khai thực hiện phải bảo đảm nguyên tắc dựa trên cơ sở khoa học và đồng thuận cả trong nước và quốc tế. Mục tiêu là trong nhiệm kỳ 2020-2025, phải hoàn thành đầy đủ các hồ sơ, thủ tục, chuẩn bị trước những vật liệu quan trọng để khởi công xây dựng vào đầu nhiệm kỳ tới. Về đền thờ Ngô Quyền, thành phố cần tiếp tục thực hiện bài bản, khoa học; sớm công bố kết quả khảo cổ và thống nhất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn vị trí xây dựng đền.
Trưởng ban Chỉ đạo cũng yêu cầu ban hành ngay Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo dự án; các thành viên Ban chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị theo phân công cần xây dựng bảng theo dõi tiến độ công việc để thường xuyên rà soát, kiểm đếm, đôn đốc tổ chức thực hiện.