Những câu hỏi khi phỏng vấn đánh trượt 70% sinh viên mới ra trường
Sản phẩm dịch vụ - Ngày đăng : 07:57, 18/04/2023
Top những câu hỏi khi phỏng vấn gây khó cho sinh viên mới ra trường:
Tại sao bạn chọn công việc này?
Đây là câu hỏi về mục đích bạn đến với công việc. Dù là bạn đang phỏng vấn việc làm văn phòng ở Cần Thơ hay marketing ở thành phố Hồ Chí Minh…, bạn cần đưa ra lý do thuyết phục chứng tỏ bạn có khả năng thành công, gắn bó lâu dài với công việc đó. Tuy nhiên, nhiều ứng viên lại đưa ra lý do rất hời hợt như: Vì cần việc làm, vì bạn bè kiếm được nhiều tiền từ việc này...
Không nhà tuyển dụng nào muốn nhân sự chỉ làm vì lương, vì cuộc sống bắt buộc phải làm. Nếu họ có thông cảm thì cũng không bao giờ chọn bạn. Do đó, bạn cần thể hiện sự nghiêm túc với nghề.
Nếu là công việc đúng ngành học, hãy nhấn mạnh tới khả năng chuyên môn đã được đào tạo sâu, bài bản. Nếu là công việc trái ngành, hãy nhấn mạnh tới kỹ năng phù hợp. Quan trọng hơn, dù trong trường hợp nào bạn cùng cần nhắc đến đam mê. Người đam mê sẽ có khả năng hoàn thành tốt công việc thậm chí tạo ra thành tích vượt kỳ vọng, sẵn sàng vượt khó.
Đó là phẩm chất, lý do thuyết phục nhà tuyển dụng và cũng giúp bạn thành công với công việc.
Em nghĩ 5 năm tới mình sẽ thế nào?
Trong những năm gần đây, một bộ phận giới trẻ bị mất phương hướng và mục tiêu nghề nghiệp. Nhiều bạn ra trường chỉ cần một công việc là đủ, không phấn đấu, không mục tiêu nên dễ thỏa hiệp, đầu hàng. Khi được hỏi về tương lai thường trả lời: Em chưa nghĩ tới, em không biết 3-5 năm sẽ thế nào, em làm đến đâu tính đến đó…
Với câu trả lời này, cơ hội việc làm của bạn sẽ đóng lạingay lập tức. Nhà tuyển dụng không muốn một nhân sự “được chăng hay chớ”, không có định hướng nghề nghiệp, không có đích tới. Vì không mục tiêu, bạn sẽ thiếu động lực phấn đấu, học tập và làm việc.
Bạn cần xây dựng mục tiêu cho chính mình. Có thể không quá dài, quá lớn, nhưng ít nhất nó cho thấy sự nghiêm túc, sự quyết tâm và định hướng của bạn với công việc trong khoảngthời gian nhất định.
Hãy chia sẻ về điểm mạnh/điểm yếu của bản thân?
Đây là một trong những câu hỏi khi phỏng vấn mà sinh viên mới ra trường thường gặp nhất. Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn xem khả năng thấu hiểu bản thân của bạn. Chỉ khi nhận thức đúng về bản thân, bạn mới lựa chọn công việc phù hợp, có kế hoạch học tập để phát triển.
Tuy nhiên, nhiều ứng viên lúng túng vì không hiểu rõ bản thân. Có bạn thì cố xây dựng hình ảnh hoàn hảo nên chỉ đưa rađiểm mạnh và khẳng định không có điểm yếu.
Thực tế, không có ứng viên nào hoàn hảo như vậy, nhất là sinh viên mới ra trường. Vậy nên bạn cần chỉ ra những kỹ năng, phẩm chất phù hợp với công việc; đồng thời cũng cho nhà tuyển dụng thấy cả những hạn chế nhưng bạn sẵn sàng học hỏi để thay đổi, bổ sung và phát triển bản thân.
Em đã làm công việc này chưa?
Chưa có kinh nghiệm nhưng nhà tuyển dụng vẫn mời tới phỏng vấn là muốn cho bạn một cơ hội. Khi được hỏi: “Em đã từng làm công việc này chưa?”, nhà tuyển dụng hy vọng, ít nhất bạn đã tìm hiểu và nắm được quy trình làm việc, từ đó xác định kỹ năng, sự phù hợp để làm tốt công việc.
Tuy nhiên, ứng viên chỉ nói: “Em chưa từng làm công việc này”. Câu trả lời khiến nhà tuyển dụng hụt hẫng còn ứng viên như đã tự loại mình khỏi cơ hội việc làm.
Bạn đừng nghĩ, kinh nghiệm phải là trải qua một công việc cụ thể. Giữa một bạn biết rõ quy trình, một không biết thì người hiểu quy trình công việc chính là biểu hiện của kinh nghiệm. Do đó, với câu hỏi này, cần để nhà tuyển dụng thấy, bạn nắm khái niệm, quy trình công việc, sẵn sàng học hỏi để thực hiện công việc một cách tốt nhất.
Lý do nào khiến em chọn công ty?
Nhà tuyển dụng muốn đánh giá mức độ hiểu doanh nghiệp và sự phù hợp với môi trường làm việc của ứng viên. Càng đưa ra nhiều lý do dẫn tới bạn lựa chọn công ty thì khả năng được nhà tuyển dụng đánh giá và tin tưởng càng lớn.
Do đó, đừng trả lời theo kiểu vì rải đơn nhiều nơi và “ăn may” được công ty mời phỏng vấn. Hãy chỉ ra, công ty có điểm cụ thể khiến bạn thực sự muốn làm việc như môi trường làm việc, tầm nhìn của công ty, là chế độ phúc lợi… đồng thời cho thấy bạn cũng sẽ đóng góp, tạo giá trị tích cực cho doanh nghiệp.
Nếu bạn là sinh viên mới ra trường đang tìm việc thì hãy lưu ý tới những câu hỏi khi phỏng vấn trên đây cũng như cân nhắc đưa ra câu trả lời phù hợp, thuyết phục để không tự “đánh trượt” mình ngay khi buổi gặp gỡ bắt đầu!