Nỗi buồn và vẻ đẹp trong “Bồ công anh”
Sách - Ngày đăng : 07:50, 18/04/2023
“Bồ công anh” mở ra khung cảnh thị trấn Ikuta mùa xuân đẹp nao lòng khi hoa bồ công anh nở rộ. Khung cảnh thơ đẹp, êm đềm ấy là không gian người ta chọn đặt nhà thương điên, nơi mà Inako được mẹ và người yêu đưa đến để chữa chứng “nhân thể khuyết thị” - chứng bệnh khiến nàng không thể nhìn thấy thân thể người yêu dù được anh ôm trong vòng tay. Nhưng trong toàn bộ tác phẩm, thiếu nữ Inako không xuất hiện trực tiếp, nàng chỉ như một ảo ảnh hiện lên qua những câu chuyện trong cuộc đối thoại giữa mẹ và người yêu.
Trong các tác phẩm của Kawabata, nỗi buồn luôn song hành cùng cái đẹp, mà với “Bồ công anh” là vẻ đẹp mong manh trong gió của hoa bồ công anh bên sông, là cái không động của hoa sơn trà lạnh, là hình ảnh người mẹ ngắm nhìn biển đêm trong bóng tối mù mịt. Nỗi buồn ấy cũng hiển hiện ở thứ dục vọng sâu kín nơi người phụ nữ trung niên là mẹ của Inako. Và với tôi, ảo ảnh về nàng Inako là một nỗi buồn mơ hồ mà day dứt.
Inako, trong câu chuyện của người mẹ là đứa trẻ tiếc thương cả cánh hoa rơi. Phải chăng đó là dấu hiệu của một số phận buồn bã - “không nhìn thấy phần nào đó của mình, không nhìn thấy phần nào đó của người mình yêu thương, không nhìn thấy phần nào đó của cuộc đời”. Hình ảnh của Inako gắn với hình ảnh nhà thương điên trong chùa (hay chùa trong nhà thương điên?), gắn với tiếng chuông gióng lên gợi cảm giác mơ hồ, mờ ảo. Tôi tự hỏi, đó có phải là cách mà những người có tâm hồn điên loạn đang sống giữa cuộc đời - như những ảo ảnh xoẹt qua lại trong không gian yên tĩnh tách biệt, mà theo quan điểm của Kuno, người yêu của Inako thì môi trường yên ả không hẳn sẽ chữa khỏi bệnh cho họ.
Với văn học Nhật Bản nói chung và các tác phẩm của Kawabata nói riêng, nỗi buồn hay "mono no aware”, bi cảm (aware) là một khái niệm thẩm mỹ nền tảng. Bi cảm ấy là cảm xúc của con người trước cuộc sống mong manh vô thường. Vô thường ở cái chết, ở cả một chiếc lá rụng, ở cả một cánh hoa sơn trà rơi. Theo dịch giả Nhật Chiêu, “đặt bên bi cảm “mono no aware” của truyện Genji ở Nhật, cái “buồn trông” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du “động” hơn, phong trần hơn vì “aware” giống như cái nhìn của người lữ khách, còn “buồn trông” đi với một thân phận lưu đày”. Trong “Bồ công anh”- cuốn tiểu thuyết được ghi là còn dang dở này, bi cảm được thể hiện rõ rệt và dễ hiểu. Kawabata phải chăng là người lữ khách, đã xuôi thuyền dọc dòng sông cuộc đời và nhìn ngắm chính mình, nhìn ngắm cái đẹp cùng nỗi buồn, rồi khắc khoải nhân gian vô thường.
Tiểu thuyết “Bồ công anh” do Huy Hoàng Bookstore và NXB Thanh niên liên kết xuất bản.