Hóa giải áp lực tăng trưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:14, 18/04/2023
Đối diện nhiều khó khăn, thách thức
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I-2023, bức tranh kinh tế của Việt Nam đối diện nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng tăng thấp, tổng cầu đầu tư không tăng, tổng cầu thế giới đối với hàng hóa nước ta suy giảm khá mạnh. Các động lực chủ yếu cho tăng trưởng như sản xuất công nghiệp, đầu tư trong và ngoài nước, xuất khẩu đều suy giảm, dẫn đến Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2022. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, áp lực điều hành và nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng rõ.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, cộng đồng doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, đơn hàng suy giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu. Bên cạnh đó, rào cản về pháp lý, chi phí sản xuất chưa được tháo gỡ. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường phản ánh bức tranh khó khăn của doanh nghiệp hiện nay và có thể tiếp diễn trong thời gian tới. Ngoài ra, suy thoái kinh tế toàn cầu đang trở nên sâu sắc hơn, xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở các nước đối tác thương mại lớn, quan trọng của Việt Nam và sự leo thang trong xung đột quốc tế tiếp tục tác động bất lợi đến kinh tế nước ta.
Trước thực tế trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản về tăng trưởng năm 2023. Trong đó, kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5% so với mục tiêu đề ra). Kịch bản 2 là phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 từ 6,5% đến 7%. Với kịch bản này, tăng trưởng kinh tế quý II-2023 phải đạt 6,7%, quý III và quý IV-2023 lần lượt là 7,5% và 7,9%. Rõ ràng đây là kỳ vọng đầy thách thức trong bối cảnh bất lợi, phức tạp nói trên.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp khẩn trương nắm bắt tình hình, xác định các rào cản, vướng mắc về cơ chế, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành kế hoạch cả năm giải ngân được 95% tổng vốn 711,7 nghìn tỷ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ phải xử lý đồng thời các khó khăn của doanh nghiệp để phát huy hiệu quả những đột phá trong chính sách tiền tệ và tài khóa. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ tăng cường tìm kiếm thị trường, đơn hàng; xử lý khó khăn về lao động và vốn, khả năng thanh khoản của khu vực doanh nghiệp. Để phát huy hiệu quả từ việc Trung Quốc mở cửa kinh tế, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành chính sách và giải pháp bảo đảm xuất khẩu bền vững hàng nông sản.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, cần chủ động khai thác cơ hội khi nhu cầu du lịch phục hồi rõ nét. Chính phủ và các địa phương nên có chính sách, giải pháp thúc đẩy du lịch quốc tế, từ đó tạo điều kiện cho các lĩnh vực liên quan cùng tăng trưởng; ban hành và thực thi chính sách cởi mở hơn đối với khách quốc tế như rút ngắn thủ tục, kéo dài thời hạn visa để du khách có thể trải nghiệm hết những điểm đến. Bên cạnh đó, cần cải thiện môi trường, chất lượng dịch vụ; chú trọng phát triển những điểm đến được thế giới xếp hạng, tạo sức hấp dẫn để thu hút và giữ chân khách du lịch quốc tế.
Cải cách thể chế, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch thông thoáng, ban hành và tạo cơ chế đột phá ở một số lĩnh vực, địa phương nhằm tạo cú hích cho tăng trưởng của nền kinh tế cũng là đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, về quan điểm điều hành, trước hết quán triệt nghiêm tinh thần “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”; giữ ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; phối hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách vĩ mô, chủ động ứng phó với những vấn đề mới phát sinh, không để lãng phí nguồn lực; khắc phục khó khăn, tranh thủ mọi thời cơ phục hồi và phát triển. Chính sách tài khóa được thực thi có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công… Tiếp theo, chính sách tiền tệ triển khai linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác; từ đó giảm mặt bằng lãi suất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay; giữ ổn định mặt bằng tỷ giá phù hợp; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh khó khăn, việc điều hành giá cần thận trọng, xác định thời điểm, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, tránh giật cục, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Tranh thủ cơ hội xuất khẩu của từng mặt hàng, từng thị trường kết hợp với thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Cuối cùng là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án, trong đó trọng tâm là tháo gỡ ngay từ cơ sở, trực tiếp đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; đổi mới, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài tạo nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế.