Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ: Bình thản vẽ, bình thản sống!
Văn hóa - Ngày đăng : 15:11, 17/04/2023
1. Bước vào căn nhà của họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ, điều mà tôi ấn tượng nhất có lẽ là màu sắc nhẹ nhàng và bình yên ẩn hiện trong các bức tranh vẽ hoa của bà. Có thể hình dung, từng cánh hoa, nhụy hoa mong manh được bà tỉ mỉ trau chuốt, nâng niu khiến chúng trở nên sinh động, tinh tế và có hồn đến lạ. Đứng trong không gian ấy, bất cứ ai cũng thấy lòng nhẹ nhàng hơn.
Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ sinh ra tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh, lớn lên tại Hà Nội nên bà vừa thừa hưởng vẻ đẹp nổi tiếng của con gái Kinh Bắc vừa có nét thanh lịch của người Tràng An. Là con gái út, bà được chiều chuộng từ bé, được gia đình tạo điều kiện theo đuổi niềm đam mê hội họa. Năm 16 tuổi, bà thi đỗ vào Trường Trung cấp Mỹ thuật công nghiệp (sau này là Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp), học khóa đầu tiên của khoa Sơn mài thuộc trường này. Ra trường, bà xin vào làm thiết kế quảng cáo cho Công ty Mỹ nghệ Hà Nội (thuộc Bộ Ngoại thương). Không lâu sau đó, bà yêu và kết hôn với nhà văn Bùi Bình Thi. Mối tình đẹp ấy được bà miêu tả bằng hai chữ duyên số, bởi duyên số nên bà biết đến tác phẩm của ông trước khi quen ông, và nhà văn Bùi Bình Thi lại là bạn của nhà văn Đỗ Chu, bạn học phổ thông cùng bà. Tình yêu của ông bà bắt đầu từ sự cảm phục, ngưỡng mộ tài năng rồi yêu mến nhau lúc nào không biết. Bà sinh cho ông hai người con giỏi giang là đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và nữ họa sĩ Bùi Thanh Thủy (hiện đang sống tại nước ngoài).
2. Cuộc sống của một gia đình văn nghệ sĩ bộn bề gian khó. Suốt 30 năm, đêm nào cũng vậy, khi chồng con đã ngủ say, bà lại chong đèn ngồi vẽ tranh lụa, những bưu thiếp nhỏ... để gửi bán tại các cửa hàng lưu niệm quanh khu vực phố cổ Hà Nội. Trời thương, “chất” nhẹ nhàng, nữ tính trong tranh của bà rất hợp gu của người nước ngoài, vì vậy tranh bà vẽ ra đều bán được, đây chính là nguồn thu nhập chính để bà lo lắng cho cả đại gia đình.
Nhưng bà bảo, bà chỉ coi đó là nghề để mưu sinh, thứ tiếp thêm sinh lực cho bà những lúc mệt mỏi, chán chường lại là những khoảnh khắc bà vẽ hoa và tìm sự an yên, nương náu cho tâm hồn mình trong đó. Vẻ đẹp mong manh của hoa như cứu rỗi tâm hồn bà, gột rửa những bụi bặm vướng bận thường ngày. Bà tìm thấy niềm vui khi tỉ mẩn “tỉa” từng cánh hoa, bỗng thấy mình không cần phải nghĩ gì nữa.
Bà kể rằng mình say mê hoa đến độ, đã có thời gian, gia đình bà chuyển ra vùng ngoại thành và bà đã dành riêng cho mình một khu vườn nhỏ để quanh năm trồng hoa, chơi hoa và vẽ. Đây cũng là quãng thời gian bà vẽ được nhiều nhất. Bà vẽ bất cứ lúc nào, đôi khi chỉ vì bắt gặp một khóm hoa dại ven đường, khi nhìn thấy bụi hoa chuối đỏ rực ở cuối vườn hay khi tự tay cắm một bình hoa...
Bà vẽ hoa chỉ bằng phấn màu và acrylic, trong đó, có lẽ dành niềm yêu thích đặc biệt hơn với chất liệu phấn màu bởi theo bà, khả năng diễn tả với phấn là vô cùng, nó tạo chiều sâu, nét ma mị, đặc biệt là thể hiện rất rõ vẻ mong manh, nhẹ nhàng của những cánh hoa. Tranh của bà có giá không hề rẻ (cách đây hơn 20 năm đã có giá 300 - 400 USD/bức). Ban đầu, không có gallery nào chấp nhận cả, có chủ gallery còn yêu cầu bà giảm giá để dễ bán hơn nhưng bà không đồng ý. Ngoài việc bà coi những bức tranh ấy là đứa con tinh thần của mình, chúng còn chất chứa tâm huyết, thời gian, tình cảm của bà nữa. “Nếu để rẻ quá, chẳng phải tôi đã rẻ rúng công sức của mình hay sao?” - bà chia sẻ. Thế rồi bà kể tiếp với giọng đầy hào hứng: “Trái ngược với suy nghĩ của chủ gallery ấy, mấy hôm sau tranh của tôi được khách nước ngoài mua, nhiều khách hàng còn ngỏ ý muốn mua một bức tranh y hệt. Chủ gallery ấy lại ngỏ ý muốn tôi “sản xuất hàng loạt” để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhưng tôi từ chối. Tranh của tôi là độc bản, không lặp lại, không thể vì sức ép của đồng tiền mà làm trái quy tắc của mình được”.
Bà muốn có được những bức tranh độc bản, mỗi bức tranh mang một nét riêng. Cái tài của bà là cùng một loài hoa nhưng mỗi lần lên tranh lại mang tới cảm xúc, góc nhìn khác biệt, người xem càng nhìn kỹ càng thấy những cái muốn tìm. Tranh của bà có sự tự nhiên, tinh tế, không gò bó mà vẫn sang trọng và đầy vẻ bí ẩn. Loài hoa mà bà vẽ nhiều nhất là cúc họa mi và violet. Bà không nhớ chính xác mình đã vẽ bao nhiêu bức về chúng, nhưng có lẽ phải đến gần một trăm. Bà bảo: “Cúc họa mi bé nhỏ, cánh trắng mong manh, vẻ yên tĩnh và dịu dàng của những đóa họa mi đã gợi cho tôi nhiều cảm xúc”.
3. Năm 1998, 5 năm sau khi nghỉ hưu, bà mở triển lãm đầu tiên. Triển lãm thành công ngoài sức tưởng tượng khi bà bán được gần hết tranh trưng bày. Tính đến nay, bà đã mở 6 triển lãm cá nhân - đều mang tên “Bốn mùa hoa”. Ai đã từng ngắm tranh bà đều nhận định, dù mỗi bức tranh là một câu chuyện khác nhau nhưng tất cả đều toát lên vẻ nhẹ nhàng, yên bình. Bản thân bà lúc nào cũng giữ cho mình một phong thái ung dung, tự tại. Bà mang phong thái bình thản ấy vào trong tranh của mình. Ai cũng nghĩ, để vẽ được những đóa hoa gợi cảm giác an yên ấy hẳn cuộc đời của bà êm đềm lắm. Nhưng, nếu lắng nghe tâm sự của bà thì mới biết cuộc đời người phụ nữ ấy cũng lắm thăng trầm. Kết hôn với một nhà văn, bà xác định sống một cuộc đời thanh bạch. Bà thương ông, cả cuộc đời ông lao động cật lực trên cánh đồng văn chương nhưng số tiền nhận được không đáng là bao. Bà nhớ như in những đêm ông chong đèn viết tới khuya, thỉnh thoảng gặp phải câu chính tả chưa chuẩn lại lay bà dậy để hỏi. Ông coi bà như “cuốn từ điển sống”, bao năm trời như thế bà ngủ chập chờn, song hành sáng tác cùng ông. Bà bảo, ông có tâm với nghề nên bà không kêu than nửa lời mà ủng hộ ông hết mực. Có những giai đoạn rất khó khăn, bà đến cơ quan mà trong túi không có đồng nào, rất nhiều lần bà phải xuống thủ quỹ để ứng trước tiền lương. Có những lúc hết tiền đong gạo, bà phải lục tìm trong số quần áo ít ỏi của mình chiếc áo sơ mi mà bà thích nhất, mang ra Phùng Hưng đổi lấy 5 đồng để đong gạo... Nhưng bà không cảm thấy mình khổ sở, bởi thời ấy ai chả khó khăn. Bà luôn lạc quan và luôn tìm được cách xoay xở để vượt qua gian khó...
Bà bảo rằng mình vẫn còn may mắn bởi bất cứ khi nào thấy khổ sở là lại có thể tìm đến hoa và vẽ. Vẽ để nuôi dưỡng tinh thần, lấy lại niềm yêu cuộc sống. Hoa với bà như một thực thể có tâm hồn, có tính cách, có tâm trạng. Trong thế giới tự mình thiết lập ấy, bà được tự do sáng tạo, quên đi thực tế xung quanh, chỉ hoa với bà tồn tại.