Xây dựng văn hóa giao thông
Giao thông - Ngày đăng : 06:26, 17/04/2023
Tuy nhiên, đến nay, việc thí điểm phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi đã không đạt mục tiêu. Làn đường dành cho ô tô thường xuyên bị xe máy đi vào. Ngoại trừ những ngày đầu thí điểm (tháng 8-2022), không có bóng dáng lực lượng chức năng xử lý phương tiện đi không đúng làn. Vì thế giao thông trên tuyến vẫn lộn xộn, ùn tắc vẫn xảy ra vào khung giờ cao điểm.
Ý thức tự giác của một bộ phận người dân kém, không tuân thủ hiệu lệnh biển báo, trong khi vi phạm không bị kiểm tra, xử lý là nguyên nhân chính khiến phương án thí điểm không hiệu quả. Việc thí điểm phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi cũng như trước đây thí điểm ở các tuyến đường Kim Mã, Đại Cồ Việt thiếu quyết tâm, thiếu kiên trì nên đã không triệt để.
Dự án thí điểm phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi cũng cho thấy, thói quen tùy tiện, thiếu ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông vẫn đang khá phổ biến trong đời sống xã hội. Đó là hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia… Việc thí điểm phân làn phương tiện nhằm mục đích hình thành thói quen chấp hành quy định, từ đó hình thành văn hóa giao thông an toàn, vì thế cần được thực hiện một cách kiên trì.
Văn hóa giao thông là ý thức, thái độ của mọi người khi tham gia giao thông. Văn hóa giao thông là tập hợp các cách thức ứng xử, chấp hành quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, mà trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu. Đơn giản là không vi phạm và tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật về giao thông; đi đúng làn đường, đúng tốc độ, không phóng nhanh, vượt ẩu; không sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện; tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành quy định…
Để xây dựng văn hóa giao thông, bên cạnh hệ thống pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử, tuyên truyền, giảng dạy về an toàn giao thông, lực lượng duy trì trật tự, an toàn giao thông, xây dựng ý thức tự giác của mỗi người tham gia giao thông là quan trọng nhất. Bởi dù có đủ quy định, có chế tài xử lý nặng đến mấy mà thiếu ý thức tự giác chấp hành thì những hành vi vi phạm vẫn khó mà xử lý triệt để.
Việc thí điểm phân làn phương tiện nhằm hình thành thói quen chấp hành quy định, từ đó hình thành văn hóa giao thông an toàn, do đó cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá lại mục tiêu, phương pháp triển khai, mặt được và chưa được, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp hiệu quả, tiếp tục tuyên truyền để người dân biết và thực hiện. Hơn hết cơ quan chức năng phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, xây dựng dự án thí điểm thì phải làm cho được.
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, đó là trước khi xây dựng dự án thí điểm có tác động xã hội lớn, như việc phân làn phương tiện, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ, xây dựng phương án khả thi, hiệu quả, tuyên truyền sâu rộng, xử lý nghiêm vi phạm. Nếu làm không đến nơi đến chốn thì vừa tạo tác dụng ngược vừa làm mất uy tín của cơ quan chức năng.