Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch
Du lịch - Ngày đăng : 07:05, 16/04/2023
Từ câu chuyện “Hạ Long mênh mông là rác”
Có lẽ, chưa lúc nào vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch lại “nóng” như thời gian qua, khi mà trước mùa du lịch 30-4, cả mặt vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Lan Hạ (Hải Phòng) ngập rác thải, chủ yếu là các phao xốp do phá dỡ lồng bè nuôi trồng thủy sản. Cho đến ngày 15-4, trong chuyến thực tế của phóng viên Báo Hànộimới, phao xốp, rác vẫn trôi nổi khá nhiều trên vịnh.
Tại hội thảo “Giảm thải rác thải nhựa trong hoạt động du lịch” diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, Chủ tịch Tập đoàn Lux Group Phạm Hà (một trong những đơn vị kinh doanh tàu biển trên vịnh Hạ Long và Lan Hạ) cho biết: "Rác thải rất nhiều trên biển, trên vịnh là sự phản cảm lớn”.
Theo các thống kê từ Viện Nghiên cứu phát triển du Lịch (ITDR), lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam đến năm 2019 là khoảng 230.110 tấn. Trung bình một ngày, mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi ni lông; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa và các vật dụng cá nhân bằng nhựa dùng 1 lần khác.
Thực tế, lượng rác thải nhựa xả ra môi trường tại các điểm du lịch chiếm tỷ lệ rất lớn và ngày càng tăng lên. Điển hình như tại vịnh Hạ Long, ước tính trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa. Tại Sầm Sơn, trung bình 105 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó, rác thải nhựa chiếm 24%, tương đương 25,2 tấn/ngày đêm. Tại Đà Nẵng, trong 1.100 tấn rác thải/ngày đêm, có tới 17% là rác thải nhựa, tương đương 20,8 tấn mỗi ngày…
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, ô nhiễm rác thải nhựa đang là thách thức lớn toàn cầu, gây ra những tác động nguy hại tới môi trường. Nếu không được giải quyết, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, sự bảo tồn và đa dạng sinh học. Ngoài ra, ô nhiễm rác thải nhựa cũng sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam.
Nhân rộng những mô hình tốt
Tại hội thảo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam giới thiệu 2 mô hình tốt trong nỗ lực giảm rác thải nhựa, hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững tại Hội An (Quảng Nam) và Gia Viễn (Ninh Bình).
Diễn giả Vũ Mỹ Hạnh - đại diện nhóm làm việc về quản lý rác thải tại nguồn ở Hội An - cho biết, Hội An từng là điểm nóng về vấn đề rác thải khi lượng khách ngày càng đông. Để giải quyết việc này, tháng 3-2021, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và UBND thành phố Hội An ban hành Kế hoạch hành động đến năm 2023, trong đó các doanh nghiệp du lịch giảm rác thải và rác thải nhựa tại các điểm đến, cơ sở lưu trú với hình thức không dùng đồ nhựa dùng 1 lần mà thay thế bằng vật liệu khác.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn (Ninh Bình) Vũ Thị Dược, địa phương đã phát động nhiều chiến dịch giảm thải rác thải nhựa trong hoạt động du lịch, gần đây nhất là “Tuần lễ du lịch xanh”. Trên địa bàn đã có nhiều mô hình du lịch xanh, giúp học sinh trải nghiệm du lịch sạch, làm đẹp môi trường, cảnh quan.
Bàn thêm về giải pháp giảm thải rác thải nhựa trong hoạt động du lịch, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, đơn vị đã đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện về mặt chính sách về loại bỏ việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thay thế.
Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" đã được Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) chấp thuận tài trợ thực hiện trong hai năm 2023 và 2024, hướng đến mục tiêu cụ thể là nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa thông qua các hoạt động truyền thông.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, trước mắt, Hiệp hội đang nỗ lực phối hợp với UNDP xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch và ứng dụng (apps) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.