Thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội năm 2023: Mục tiêu và những vấn đề mới đặt ra
Nông nghiệp - Ngày đăng : 09:04, 16/04/2023
Kết quả tốt, bài học hay
Là địa phương thực hiện song hành 2 nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và phát triển đô thị để đưa huyện thành quận, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết: Huyện đã nghiên cứu, hợp nhất 2 bộ tiêu chí theo nguyên tắc lấy chỉ tiêu, nhiệm vụ cao nhất ở các tiêu chí để thực hiện. Sau khi hợp nhất Bộ tiêu chí đối với cấp huyện và cấp xã, Đông Anh đã chỉ đạo và xây dựng kế hoạch cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch từng năm. Trong đó, huyện ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng; cải tạo, nâng cấp, làm mới hệ thống giao thông nông thôn và đầu tư xây dựng mạnh các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế... Đến nay, Đông Anh đã đạt và cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao và tiêu chí của quận.
Ba Vì là một trong những huyện gặp khó khăn bởi địa bàn rộng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, đến hết năm 2022, huyện đã có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, có 4/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh chia sẻ: Để huy động sự chung sức của toàn dân, Ba Vì đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Từ tháng 3-2022 đến nay, huyện đã huy động được nguồn lực xã hội hóa 64,7 tỷ đồng trồng hoa cây xanh, vẽ tranh tường làm đẹp làng quê...
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong năm 2022, thành phố có thêm 3 huyện Chương Mỹ, Mê Linh và Phú Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; nâng tổng số huyện đạt chuẩn lên 15/18 đơn vị. Đối với 3 huyện chưa đạt, đến nay, huyện Ứng Hòa và huyện Ba Vì đã đủ điều kiện trình Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Mỹ Đức đã cơ bản đủ điều kiện theo quy định, hiện đang hoàn thiện hồ sơ dự kiến gửi Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố trong tháng 3-2023 để thẩm định trước khi trình UBND thành phố theo quy định.
Về xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, hiện nay có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì có cơ sở để hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023... Huyện Thanh Oai đã có văn bản đăng ký và cam kết hoàn thành huyện nông thôn mới trong năm 2023. Đối với cấp xã, từ năm 2021, Hà Nội đã có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, toàn thành phố có thêm 63 xã được thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thành phố cũng có thêm 15 xã được thẩm định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt kế hoạch), đưa tổng số xã đạt chuẩn lên 20 xã.
Tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ
Tuy kết quả đạt được là rất lớn, song nhìn lại, việc triển khai thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy vẫn còn một số hạn chế. Đó là, hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật ở một số địa phương còn thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn hạn chế; quá trình chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô...
Theo Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh, cần quan tâm nhiều hơn tới vấn đề môi trường trong chăn nuôi bởi trong thời gian qua, thành phố đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề này. Cụ thể, trên địa bàn huyện Ba Vì, việc xử lý môi trường trong chăn nuôi bò sữa vẫn rất khó khăn. “Chúng tôi đã đi thăm quan mô hình TH true MILK, Vinamilk... nhưng vẫn chưa có được giải pháp phù hợp để xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Chúng tôi kiến nghị thành phố có nghị quyết với cơ chế hỗ trợ đặc thù cho nội dung này...” - ông Thanh nói.
Vấn đề số hóa nông nghiệp cũng được các đại biểu quan tâm. Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị sản xuất, chuẩn hóa sản phẩm nông nghiệp là hết sức cần thiết nhằm nâng giá trị cho nông sản, hàng hóa. Địa phương này mong muốn thành phố có thêm cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển các sản phẩm số hóa, nhất là trong lĩnh vực du lịch nông thôn, phát triển sản phẩm làng nghề...
Nhiều huyện cũng đề xuất thành phố cần sớm có giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán nước sạch nông thôn. Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều bày tỏ: Chỉ tiêu về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung phải trên 43%, nhưng hiện trên địa bàn huyện chỉ có 3 công trình cấp nước sạch tập trung tại xã Hương Sơn, cung cấp nước sạch cho khoảng 12% hộ dân của huyện. Do đó, Mỹ Đức kiến nghị thành phố sớm chỉ đạo các sở, ngành triển khai dự án cấp nước sạch tập trung phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện.
Tại hội nghị giao ban quý I của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng: Kiến nghị mà các địa phương đưa ra đều rất xác đáng, đặc biệt là về vấn đề môi trường nông thôn, nước sạch cho người dân và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp... Hiện nay, thành phố đang nghiên cứu để tập trung quy hoạch chăn nuôi lớn nhằm xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường. Thành phố cũng sẽ nghiên cứu áp dụng mức hỗ trợ cao nhất theo quy định chung của Trung ương để hỗ trợ nông dân các địa phương phát triển kinh tế...
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 04 trong năm 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các huyện, thị xã tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Các huyện đang xây dựng phương án lên quận cần khẩn trương rà soát các tiêu chí, phấn đấu cuối năm 2023 phải có tối thiểu 2 huyện hoàn thiện hồ sơ báo cáo thành phố. Các huyện, thị xã còn lại cần tập trung chỉ đạo và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo đúng kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, cần tiếp thu kinh nghiệm của huyện Đông Anh trong việc giữ lại toàn bộ hệ thống ao hồ để tạo cảnh quan môi trường...
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đề nghị các huyện, thị xã phát động và xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc thi về bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đồng ruộng, đẩy mạnh phân loại rác thải tại các hộ gia đình... Bên cạnh đó, các huyện, thị xã cần xây dựng, củng cố và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho người dân... Các huyện, thị xã cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới, các mô hình tiêu biểu, cách làm hay trên địa bàn.
Từ năm 2021 đến quý I-2023, toàn thành phố đã huy động được 42.903 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó, nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước là 2.598 tỷ đồng. Một số huyện huy động được vốn ngoài ngân sách lớn như Hoài Đức 141,5 tỷ đồng, Ba Vì 85 tỷ đồng, Sóc Sơn 84 tỷ đồng, Mỹ Đức 84 tỷ đồng...