Siết trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm

Xã hội - Ngày đăng : 06:07, 15/04/2023

(HNM) - Triển khai Chương trình hành động số 26-CTr/TU thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TƯ ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” của Thành ủy Hà Nội, các địa phương trên địa bàn thành phố đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch đã đề ra. Trong đó, nhiệm vụ siết chặt trách nhiệm quản lý, thực hiện chính sách pháp luật về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu.

Một cơ sở được gắn biển nhận diện cơ sở kinh doanh an toàn thực phẩm tại chợ Bưởi (quận Tây Hồ).

Đa dạng cách triển khai

Là chủ một trong 28 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận Tây Hồ vừa được gắn biển nhận diện cơ sở kinh doanh an toàn thực phẩm, bà Đặng Thị Phường (chợ Xuân La, phường Xuân La) cho biết, đây là chứng nhận xác nhận uy tín kinh doanh của cơ sở. Để đạt được kết quả này, các chủ kinh doanh phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm... Tại thời điểm kiểm tra thực tế để cấp biển nhận diện, hộ kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện thực tế về trang thiết bị, dụng cụ sản xuất - kinh doanh, điều kiện về kho, khu vực bảo quản thực phẩm, lưu trữ hồ sơ phục vụ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...

Trong khi đó, UBND quận Hai Bà Trưng vừa công khai danh sách các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, do UBND các phường ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong tháng 3-2023. Theo đó, có 15 cơ sở trên địa bàn 3 phường Trương Định, Đồng Tâm, Quỳnh Mai bị kiểm tra, xử phạt. Các lỗi vi phạm gồm bày bán, chứa thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ không bảo đảm vệ sinh, không mặc trang phục bảo hộ, thực phẩm không được che ngăn chặn bụi bẩn... Tổng số tiền xử phạt là hơn 36 triệu đồng; trong đó cơ sở nhận mức xử phạt cao nhất là 4 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thúy Hạnh (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) cho hay, việc công khai danh sách các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm là thông tin thiết thực cho đông đảo nhân dân sở tại và khách thập phương lựa chọn cơ sở an toàn thực phẩm.

Còn quận Thanh Xuân đã lên kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm năm 2023 với hơn 200 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Công tác kiểm tra thực hiện xuyên suốt cả năm, tập trung vào các đợt cao điểm như lễ, Tết, hội xuân, dịp Tết Trung thu... Kế hoạch kiểm tra linh hoạt, cả theo lịch báo trước và đột xuất, với tinh thần phát hiện vi phạm phải xử lý theo quy định, không để tình trạng thực phẩm bẩn, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường.

Các huyện như Phú Xuyên, Thường Tín, Chương Mỹ... cũng đang tập trung tuyên truyền công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua các chiến dịch truyền thông, ký cam kết trách nhiệm đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định. Các ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm cấp huyện, xã thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra một cửa hàng bán sữa chua trân châu tại quận Nam Từ Liêm.

Đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, huyện chú trọng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Công tác kiểm tra được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, đúng kế hoạch, từng bước ngăn ngừa các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện không xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, kiểm tra an toàn thực phẩm, huyện cũng đề nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm tập trung; đầu tư kinh phí, trang thiết bị đánh giá chất lượng, phục vụ công tác thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh thông tin, quận Tây Hồ chú trọng công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ để cung ứng nguồn thực phẩm đạt yêu cầu về chất lượng phục vụ người dân. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Về cơ bản, ý thức, nhận thức của cả lực lượng quản lý, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về việc tuân thủ, giám sát các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong hệ thống chợ đã được nâng lên.

Siết chặt hơn việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm trên toàn thành phố, UBND Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra toàn diện các quận, huyện, thị xã từ ngày 15-4 đến hết ngày 15-5-2023. Các đoàn tập trung vào kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2023” (từ ngày 15-4 đến 15-5); kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt chú trọng nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Đồng thời xử lý, kiến nghị xử lý hoặc chuyển xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Nhóm phóng viên