Phát triển du lịch golf để hút khách hạng sang
Du lịch - Ngày đăng : 12:21, 14/04/2023
Phát triển du lịch golf thành sản phẩm đặc sắc
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2023, có 1,8 triệu khách du lịch quốc tế thì 800 nghìn là khách du lịch golf. Việt Nam được World Golf Award chọn là Điểm đến tốt nhất golf thế giới và châu Á các năm 2019, 2021, 2022. Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam được World Golf Award bình chọn là Hiệp hội Du lịch golf tốt nhất năm 2022.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan khẳng định, du lịch golf mang lại lợi nhuận cao và là sản phẩm mà ngành Du lịch Việt Nam hướng tới phát triển.
Tại Hà Nội, du lịch golf được đẩy mạnh phát triển nhiều năm nay. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, sản phẩm du lịch golf được đánh giá nhiều tiềm năng, đóng góp quan trọng trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng, đặc biệt là nhóm khách từ các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Loại hình du lịch này giúp gia tăng chi tiêu của khách du lịch, góp phần tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, Hà Nội hội tụ đủ các yếu tố để phát triển sản phẩm du lịch golf trở thành sản phẩm đặc sắc, với 6 cụm sân golf, bao gồm 10 sân golf tiêu chuẩn như: Long Biên, Vân Trì Golf Club, Kings Island Golf, Minh Trí, Legend Hill… và khoảng 10 sân tập… Đây đều là những sân golf lớn, chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế với cảnh quan tự nhiên đa dạng, hấp dẫn.
Ngoài ra, hệ thống phụ trợ, cơ sở lưu trú hiện nay của Hà Nội khá đa dạng, chuyên nghiệp, nhất là các khách sạn nghỉ dưỡng 4 - 5 sao được đầu tư đồng bộ, hiện đại với nhiều thương hiệu lớn như: JW Marriot, Sheraton, Metropole…
Mở rộng thị trường
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, các đại biểu tham dự tọa đàm cũng nhận định, du lịch golf Hà Nội vẫn còn có những thách thức, khó khăn để cạnh tranh với các nước trong khu vực như: Số lượng sân golf còn chưa nhiều; chi phí cao, dẫn đến đối tượng khách du lịch nội địa chưa nhiều. Tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến chơi golf chưa cao so với tổng số khách quốc tế đến Hà Nội. Du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác; các sân golf chưa liên kết với nhau cũng như chưa có các giải pháp về xúc tiến quảng bá bài bản, chuyên nghiệp…
Ông Lê Tiến Dũng, đại diện Công ty Du lịch Xanh, Long Biên cho biết, việc kết nối giữa các sân golf với đơn vị lữ hành còn yếu, ít thông tin nên việc quảng bá, giới thiệu cho dòng khách cao cấp còn hạn chế.
Còn theo đại diện của sân golf Legend Hill, một trong những khó khăn hiện nay là việc đào tạo đội ngũ nhân lực có chuyên môn, kỹ thuật và sự hiểu biết về golf còn hạn chế, vì thế nhiều sân golf đang rơi vào tình trạng thiếu nhân sự chất lượng cao để phục vụ khách cao cấp.
Để du lịch golf có thể phát triển mạnh, tạo thành sản phẩm du lịch nổi bật, có sức cạnh tranh cao của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Phạm Thành Trí đề xuất, cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để sản phẩm du lịch golf Việt Nam cạnh tranh với các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf.
"Cần mở rộng thị trường du lịch golf cho khách du lịch ở châu Âu, Mỹ, Autralia, Đông Nam Á... bằng cách tổ chức các hoạt động giao lưu golf, các giải đấu giữa tuyển golf các nước và tuyển golf Việt Nam…”, ông Phạm Thành Trí gợi ý.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, tới đây, Hà Nội sẽ tập trung thu hút khách trải nghiệm du lịch golf, tổ chức nhiều sự kiện, các giải đấu golf để thu hút, hấp dẫn du khách nhiều hơn nữa trong thời gian tới.