Định vị thương hiệu du lịch Thái Nguyên
Du lịch - Ngày đăng : 17:53, 13/04/2023
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Tuân cho biết: Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh đã và đang tập trung xây dựng, phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm nhằm hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Năm 2022, Thái Nguyên đón 2.160.200 lượt khách tham quan và lưu trú, doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch đạt 1.800 tỷ đồng. Quý I năm 2023, số lượt khách du lịch đến với tỉnh đạt trên 1 triệu lượt.
Nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch, Thái Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 đón 300.000 lượt khách du lịch quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, đặc biệt là thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - giải trí khu vực hồ Núi Cốc, khu vực sườn Đông Tam Đảo, thu hút đầu tư sản phẩm du lịch hang động mạo hiểm - thể thao trở thành sản phẩm độc lập, có sức hấp dẫn cao...
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực nhằm định vị và lan tỏa thương hiệu du lịch Thái Nguyên trong thời gian tới. Theo Tổng Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên, Thái Nguyên cần xây dựng các sản phẩm đặc trưng, khác biệt, có chất lượng cao dựa trên thế mạnh là các bản làng du lịch cộng đồng, mang sự đa dạng văn hóa để có thể “chạm” tới cảm xúc của du khách. Bên cạnh đó, với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa dày đặc cùng cảnh quan thiên nhiên, Thái Nguyên có thể xây dựng “cung đường di sản” với những sản phẩm đa dạng, trải nghiệm phong phú và làm mới các tuyến điểm, sản phẩm du lịch đã có để thu hút khách đến nhiều hơn.
Theo bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, Thái Nguyên cần có các chính sách hợp lý để kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn chất lượng cao. Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các điểm đến để thu hút khách đến.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng, Thái Nguyên cần đẩy mạnh việc xây dựng và định vị thương hiệu thông qua công tác xúc tiến quảng bá ở trong và ngoài nước; đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, hệ thống lưu trú, chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng các sản phẩm mang lại cho du khách những trải nghiệm tốt nhất.
* Trong khuôn khổ hội nghị, 6 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc gồm Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn đã ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch nhằm tăng cường mối quan hệ, giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các tỉnh, qua đó giúp các doanh nghiệp mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch.