Khởi động tour “Một hành trình, bốn địa phương”
Du lịch - Ngày đăng : 12:05, 13/04/2023
Tiềm năng du lịch Bắc - Trung Bộ
Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh là các tỉnh có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hóa được coi là “địa linh nhân kiệt”, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Những năm qua, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa 4 địa phương nói trên ngày càng được quan tâm. Đặc biệt, kể từ khi hoạt động du lịch được mở cửa trở lại đến nay, 4 tỉnh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động phục hồi và phát triển du lịch.
Giới thiệu những đặc trưng du lịch của địa phương, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, với 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình karst đa dạng, hệ động thực vật phong phú, tỉnh sở hữu nhiều danh hiệu quốc tế như: Quần thể Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An - Di sản hỗn hợp đầu tiên của khu vực Đông Nam Á; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Khu dự trữ sinh quyển thế giới biển Kim Sơn - Cồn Nổi và nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như: Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch sinh thái hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái, Vườn chim Thung Nham, động Thiên Hà, Khu du lịch Hang Múa, suối khoáng nóng Kênh Gà, nhà thờ đá Phát Diệm…
Còn theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, ngoài lợi thế giao thông thuận lợi, Thanh Hóa cũng là vùng đất di sản với 1 Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ; 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là Di tích Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn và thắng cảnh Sầm Sơn; cùng nhiều thắng cảnh nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Suối cá thần Cẩm Lương...
Sở Du lịch tỉnh Nghệ An thông tin, ngoài nhiều bãi biển đẹp, khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây và nhiều điểm di tích, hiện Nghệ An có trên 900 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 21.900 buồng; các sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế... 3 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch ước đạt 1.900.000 lượt, bằng 181% so với cùng kỳ năm 2022.
Nằm trên trục du lịch Bắc Trung Bộ, du lịch Hà Tĩnh những năm gần đây có sự khởi sắc. Giống như các địa phương khác, Hà Tĩnh có sự tương đồng khi sở hữu nhiều di tích lịch sử, đường bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp. Hiện tại Hà Tĩnh đã có một số dự án đầu tư đưa vào hoạt động, tạo nên diện mạo và sự phát triển mới cho du lịch địa phương như: Trung tâm dịch vụ giải trí đua chó, du lịch golf, dịch vụ tắm bùn khoáng nóng, du thuyền trên sông...
Sớm khắc phục những hạn chế
Việc liên kết 4 tỉnh Bắc - Trung Bộ gồm Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đang được kỳ vọng sẽ tạo ra một tuyến du lịch nhiều trải nghiệm cho du khách. Sản phẩm du lịch liên kết mới của 4 tỉnh dự định kéo dài 5 ngày 4 đêm với hành trình: Khám phá Tràng An, Bái Đính, khu du lịch Hang Múa (Ninh Bình, ngày 1) - Khu di tích Lam Kinh, khu du lịch Anh Phát (Thanh Hóa, ngày 2) - Khu du lịch Mường Thanh Greenland Diễn Lâm, đền Cuông, Cửa Lò (Nghệ An, ngày 3) - làng Sen quê Bác, hồ Kẻ Gỗ, biển Thiên Cầm (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày 4) - chùa Hương Tích (Hà Tĩnh).
Hiện nay, ngoài tuyến du lịch mới này, 4 tỉnh cũng đã có các chương trình, hoạt động du lịch mới dự định sẽ đông khách trong năm 2023. Điển hình như: Tỉnh Thanh Hóa khởi động du lịch biển; tỉnh Nghệ An tổ chức lễ hội du lịch Cửa Lò, chương trình nghệ thuật “Về miền Ví, Giặm”, lễ hội Carnival đường phố, lễ hội cầu ngư, lễ hội làng Sen. Tỉnh Hà Tĩnh khai trương Khu vực giải trí, ẩm thực đêm, tổ chức thi đấu giải Golf, khai trương du lịch biển Lộc Hà....
Đánh giá sức hấp dẫn của tuyến du lịch mới, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương đều có tiềm năng, lợi thế lớn để xây dựng tour, tuyến du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, điểm yếu của một số điểm du lịch ở các địa phương nói trên là dịch vụ còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu cơ sở lưu trú cao cấp, hoạt động trải nghiệm chưa phong phú.
Để hợp tác, liên kết phát triển du lịch đi vào chiều sâu, thực chất, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề nghị, từng địa phương có kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung liên kết, hợp tác đã được thỏa thuận. Các địa phương cần chú trọng tạo ra các chuỗi sản phẩm liên địa phương đặc trưng, có chất lượng; mở rộng thị trường khách nội địa tới các địa phương phía Nam và từ Hà Nội, từng bước khai thác thị trường khách du lịch quốc tế, đặc biệt là đẩy mạnh khai thác khách đến từ Lào và Đông Bắc Thái Lan.