Việt Nam phát sinh 2,9 triệu tấn chất thải nhựa trong năm 2022
Công nghệ - Ngày đăng : 19:38, 12/04/2023
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Ngọc Tuấn cho biết: Ô nhiễm nhựa là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải tìm kiếm các giải pháp toàn diện và tổng thể để giải quyết thách thức, hướng tới mục tiêu vì một tương lai bền vững. Trong đó, kinh tế tuần hoàn được coi là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cần có sự đồng thuận và tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm nhà cung cấp vật liệu nhựa, nhà sản xuất bao bì, các doanh nghiệp xử lý và tái chế chất thải nhựa và cộng đồng dân cư. Đồng thời, cần có cách tiếp cận tổng thể và toàn diện từ toàn cầu đến quốc gia, bao gồm cơ chế hợp tác chung giữa các quốc gia đến cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp về giải quyết ô nhiễm nhựa.
"Ngoài ra, cần phát triển hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và thiết kế sản phẩm phù hợp phục vụ cho hệ sinh thái thu gom, tái chế sản phẩm nhựa nhằm tạo cơ sở cho các doanh nghiệp chủ động tham gia vào quy trình kinh tế tuần hoàn", ông Lê Ngọc Tuấn thông tin.
Cũng tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Tài Tuệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, lượng chất thải nhựa phát sinh ở nước ta trong năm 2022 là 2,9 triệu tấn (gồm 1,6 triệu tấn ở đô thị và 1,3 triệu tấn ở nông thôn). Tổng lượng rác thải nhựa được thu gom là 2,4 triệu tấn, nhưng chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Lượng phát sinh chất thải nhựa vào môi trường là 0,42 triệu tấn...
Trước thực trạng đó, GS.TS Nguyễn Tài Tuệ đề nghị cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và trung hòa nhựa; nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng; phát triển, chuyển giao các giải pháp khoa học - công nghệ để nâng cao khả năng tái chế, tái sử dụng và giảm phát thải chất thải nhựa; tăng cường trao đổi, hợp tác với các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.
Trong đó, một số giải pháp cần ưu tiên thực hiện là: Giảm sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; thu gom, phân loại và tái chế chất thải nhựa; tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức sử dụng các sản phẩm nhựa; xây dựng quy định kỹ thuật về đánh giá khối lượng chất thải nhựa phát sinh; điều tra thành phần chất thải nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu còn chia sẻ về các sáng kiến truyền thông, nâng cao năng lực nhận thức người tiêu dùng và thúc đẩy sử dụng bao bì bền vững góp phần thực hiện cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025...