Nhập viện sau “nâng ngực không cần phẫu thuật” tại spa
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:00, 12/04/2023
Điển hình là trường hợp bệnh nhân T.H.T (30 tuổi, ở Thanh Hóa). Do tự ti với vòng một quá nhỏ, lại đọc được thông tin quảng cáo về phương pháp “nâng ngực đệm mô lipid” không cần phẫu thuật, không đau đớn, chị đã quyết định thực hiện. Theo quảng cáo, phương pháp này giúp ngực đẹp nhanh và chi phí rất phải chăng, chỉ 10 triệu đồng.
Nghe theo lời “mật ngọt” của nhân viên spa tư vấn, chị T đã tới một thẩm mỹ viện tại Hà Nội để thực hiện “nâng ngực đệm mô lipid”.
Trước khi thực hiện nâng ngực, thẩm mỹ viện này cam kết nâng ngực không xâm lấn, không dùng thủ thuật, không can thiệp dao kéo.
“Tôi thấy họ lấy máu và giải thích sẽ tách mỡ (mỡ tự thân) từ máu để tiêm vào cơ thể. Sau đó, tôi được họ gây tê để tiến hành thủ thuật. Tôi thấy họ có tiêm khoảng 10 xilanh dung dịch có màu trắng vào cơ thể. Khi tôi yêu cầu spa cho biết chất lỏng đã tiêm vào người thì họ từ chối”, chị T kể lại.
Sau 14 ngày thực hiện phương pháp “nâng ngực đệm mô lipid”, chị T cảm thấy ngực có hai khối cứng bất thường nên đã tới Bệnh viện trung ương Quân đội 108 khám.
Tại đây, kết quả khám và siêu âm cho thấy, ngực bệnh nhân T có nhiều khối hỗn hợp âm bất thường trong tổ chức mô tuyến vú. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm cấp tổ chức phần mềm vú lan tỏa.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh, Khoa Phẫu thuật tạo hình và vi phẫu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết, hiện tại, bệnh nhân T chưa có dấu hiệu dịch áp xe nên được chỉ định uống thuốc kháng viêm kèm theo các liệu pháp tiêu viêm. Trong trường hợp xấu, khối cứng tại ngực bệnh nhân có thể bị áp xe, khi đó sẽ phải mổ rạch… Thậm chí, việc lấy chất lỏng ra khỏi ngực bệnh nhân T để xét nghiệm cũng không hề dễ dàng. Vì chất này có thể là silicon lỏng đã bị cấm từ lâu. Nếu chất tiêm vào ngực bệnh nhân T là silicon, sẽ có tính chất bám dính tổ chức, tăng nguy cơ ung thư.
Tương tự, chị B.T.H (26 tuổi, ở Hà Nội) đến một spa với mong muốn cải thiện vòng ngực. Chị H cũng đọc được thông tin quảng cáo nâng ngực mà không cần phẫu thuật của cơ sở này. Sau khi đến, chị được tư vấn nâng ngực bằng sóng xung kích kích thích nâng ngực.
“Chi phí ban đầu là 100 triệu đồng, nhưng sau đó, họ nói tôi có bệnh ở ngực, nên phải tăng thêm 50 triệu đồng để thực hiện kỹ thuật này. Lúc gây mê, tôi cũng không biết họ đã tiêm thuốc gì”, chị H chia sẻ.
Vài ngày sau, chị H thấy đau nhức vùng ngực và đi kiểm tra tại phòng khám gần nhà. Kết quả chụp cộng hưởng từ tại đây cho thấy, xuất hiện các ổ dịch phía sau, bên trong và xung quang nhu mô tuyến vú hai bên. Quá hoang mang, chị đã tới bệnh viện để kiểm tra lại.
Theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh, trên thực tế chưa có phương pháp nâng ngực nào mà không phải phẫu thuật. Hiện nay, các phương pháp “nâng vòng 1” phổ biến là độn túi hoặc cấy mỡ tự thân. Nếu chọn nâng ngực bằng chất liệu túi độn thì phải được công nhận bởi Bộ Y tế, hoặc chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Trường hợp nâng ngực bằng mỡ tự thân, cần được tư vấn và tiến hành bởi các bác sĩ và bệnh viện uy tín.
“Hiện tại, chưa có bằng chứng y văn nào trên thế giới về nâng ngực bằng huyết tương PRP hoặc bằng mỡ lấy từ máu. Do đó, tuyệt đối tránh ham rẻ mà nghe quảng cáo đưa các chất lạ vào cơ thể, dẫn đến không tương thích, thải loại, nhiễm trùng”, Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh lưu ý.
Ngay cả với các chất được cấp phép sử dụng như filler, FDA cũng đưa ra khuyến cáo, không tiêm filler vào ngực, mông hoặc khoảng trống giữa các cơ. Bởi điều này dễ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, bao gồm tình trạng đau kéo dài, để lại sẹo, nhiễm trùng, biến dạng vĩnh viễn, thậm chí tử vong.