Bảo đảm giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Chính trị - Ngày đăng : 16:05, 11/04/2023

(HNMO) - Chiều 11-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo dự kiến chương trình giám sát năm 2024.

Trình bày dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và sắp xếp lần lượt theo thứ tự số lượng đề xuất từ cao xuống thấp.

Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo, qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến, đề xuất 7 chuyên đề để xin ý kiến các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 5 chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 chuyên đề, trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề (2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội). Các chuyên đề này gồm:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia (Dự án Sân bay Long Thành; Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 đến hết năm 2023.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu.

Với 4 chuyên đề được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao (2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).

Đối với các nội dung giám sát năm 2024, thảo luận tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, 5 chuyên đề giám sát đều là những vấn đề quan trọng, cấp bách, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Về việc lựa chọn chuyên đề giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị cân nhắc chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội để bảo đảm trình tự hợp lý khi trong năm 2023 và năm 2024, Quốc hội sẽ tiến hành thông qua Luật Đất đai và Luật Nhà ở.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến thảo luận.

Cho ý kiến về việc lựa chọn các chuyên đề giám sát năm 2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng để lựa chọn đúng, trúng với thực tiễn cuộc sống. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần khoanh phạm vi giám sát lại hẹp hơn, bảo đảm giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng tốt các công cụ, số liệu từ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để tiến hành giám sát.

Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, công tác hậu giám sát là vấn đề rất quan trọng, do đó, cần quan tâm hơn nữa đến việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị, đặc biệt là các Nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, cơ bản ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất với các chuyên đề mà Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất lựa chọn. Trên cơ sở thảo luận tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các Ủy ban liên quan hoàn thiện nội dung, phạm vi giám sát của từng chuyên đề, đồng thời, hoàn thiện báo cáo, dự kiến chương trình và dự thảo nghị quyết kèm theo.

Mai Hữu