Cảm hứng dân gian trên sân khấu ballet
Văn hóa - Ngày đăng : 16:28, 06/04/2023
Ballet kể chuyện dân gian Việt Nam
Trên sân khấu được trang trí tối giản, các nữ diễn viên tham gia vở ballet “Đông Hồ” mặc váy đen, đeo yếm đào, lần lượt tái hiện những bức tranh/ câu chuyện như “Hứng dừa”; “Đám cưới chuột”; “Đánh ghen”; “Vinh quy bái tổ”; “Lý ngư vọng nguyệt”... bằng vũ điệu ballet cổ điển. Những đạo cụ như chiếc quạt, diều giấy, suối tóc... được các diễn viên sử dụng, lúc để biểu diễn trên sân khấu, lúc lại để tương tác với khán giả. Khán giả vỗ tay liên tục không chỉ với những màn xoay đẹp mắt mà còn cả những phần chuyển cảnh nhanh, gọn.
Còn vở “Hàm lệ Minh Châu” là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc sử dụng các hình thức thể hiện của múa ballet cổ điển với múa dân gian truyền thống Việt Nam và múa đương đại, tạo nên phong cách riêng bằng ngôn ngữ hình thể. Kết hợp với phần âm nhạc của nhà soạn nhạc nổi tiếng trường phái ấn tượng - Claude Debussy, “Hàm lệ Minh Châu” trở thành một điểm gặp văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Một lần nữa, các nghệ sĩ đưa người xem về với Âu Lạc, với Loa Thành, với câu chuyện nàng Mỵ Châu - Trọng Thủy.
Mối tình sâu sắc cũng như nỗi oan của nàng được lý giải bằng kỹ thuật biểu diễn ballet, lột tả thành công những mâu thuẫn, xung đột, tâm lý nhân vật một cách sâu sắc. Hình ảnh Trọng Thủy trong mắt người đời vốn là kẻ bội bạc, thế nhưng với “Hàm lệ Minh Châu”, người xem lại có thể đồng cảm, thương xót với một con người luôn phải đấu tranh “bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn”. Một cách kể hoàn toàn khác và một cách lý giải về mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy đầy nhân văn đã để lại dư âm khó quên trong lòng công chúng.
Kết hợp để tạo màu sắc riêng
Để đưa được chất liệu dân gian lên sân khấu ballet, ê kíp làm việc đã phải tính toán rất nhiều. Nếu như với ballet cổ điển phương Tây, các động tác của diễn viên luôn rõ ràng, trực tiếp thì khi đưa ballet kết hợp với những câu chuyện dân gian Việt Nam, các nghệ sĩ đã thay đổi một phần kỹ thuật để phù hợp với tính cách, tâm lý người Việt. Chẳng hạn, với vở “Đông Hồ”, biên đạo Nguyễn Ngọc Anh không tập trung kể chuyện chi tiết, mà dẫn dắt người xem hướng tới sự tinh tế giản dị được truyền tải một cách trừu tượng và mang tính cảm nhận nhiều hơn.
Diễn viên trẻ Nguyễn Đức Hiếu nhận xét: “Biên đạo không muốn chúng tôi phải hiện thực hóa những câu chuyện đó một cách rõ ràng mà chỉ đơn giản là từng động tác múa như một ý niệm phảng phất đi qua cho mỗi bức tranh Đông Hồ. Giống như một người xem ở bảo tàng, đôi khi chúng ta không thể nhớ hết được tranh nhưng sẽ đọng lại một chút gì đó”.
NSƯT Phan Lương - Đoàn trưởng Đoàn múa Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, người tham gia múa chính trong cả hai vở “Hàm lệ Minh Châu” và “Đông Hồ” cho biết: “Nếu chỉ múa ballet cổ điển thì luật động trên sân khấu đã rất quen thuộc, bài bản. Còn ở đây, biên đạo đã thêm nhiều luật động khác mang tính đương đại, cơ thể phải uyển chuyển và linh động hơn nhiều so với múa cổ điển. “Phần chân phải rất vững theo kỹ thuật của ballet nhưng phần cơ thể lại uyển chuyển, linh động hơn rất nhiều. Đây là một trải nghiệm tương đối khó. Nếu không có nền tảng tốt về ballet thì sẽ rất khó kết hợp”.
Nhiều người bày tỏ sự băn khoăn vì sao cả hai vở ballet “Đông Hồ” và “Hàm lệ Minh Châu” không sử dụng âm nhạc dân gian Việt Nam mà lại sử dụng nhạc cổ điển không lời phương Tây. Theo biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh: “Nếu như ballet có những nguyên tắc không thể thay đổi, đúng, sai rõ ràng thì sau khi tiếp thu văn hóa đương đại, câu chuyện đúng - sai không còn quá quan trọng, khoảng cách giữa chúng khá mờ. Trong sự hội nhập toàn cầu, sự giao thoa không thể là “một màu” nên một vở múa như “Đông Hồ” không nhất thiết phải sử dụng âm nhạc dân gian Việt Nam. Và ngược lại, cũng có những bản nhạc nổi tiếng trên thế giới được làm lại dựa trên chất liệu dân gian của chính dân tộc đó”.
Về tính hiệu quả của những sáng tạo này, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh nhận xét: “Không như các vở ballet nổi tiếng có nhiều màn với màu sắc thay đổi liên tục, sắc màu vở “Đông Hồ” lại được giữ xuyên suốt từ đầu đến cuối, tiết kiệm được kinh phí về trang phục, diễn viên và đạo cụ, nhưng hiệu quả vẫn hấp dẫn, bởi nó không hề đơn điệu, mà được chồng lên từng lớp một rất khoa học và có ý đồ rõ ràng”.
Có thể nói, cả hai tác phẩm ballet “Hàm lệ Minh Châu” và “Đông Hồ” đã mở ra cách tiếp cận mới đối với những giá trị văn hóa dân tộc, nối dài sức sống của truyền thống, khơi dậy sự sáng tạo của các nghệ sĩ.