Nỗ lực phát triển doanh nghiệp
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:06, 11/04/2023
“Bức tranh“ thiếu màu sáng
Trước đây, Chính phủ từng đặt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, nhưng thực tế đã không đạt được vì nhiều nguyên nhân, đặc biệt do tác động của đại dịch Covid-19 trong mấy năm qua. Thêm vào đó, những tác động bất lợi, xung đột quốc tế, sự co hẹp về thị trường tiêu thụ hàng hóa và đứt gãy chuỗi cung ứng đã cản bước ra đời của doanh nghiệp mới. Không những thế, nhiều doanh nghiệp đã phá sản, phải rút lui khỏi thị trường.
Theo tính toán của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 thì mức độ tăng trưởng số doanh nghiệp phải đạt trên 17%/năm trong giai đoạn trước đó, trong khi thực tế tỷ lệ này chỉ đạt hơn 10%.
Nhận xét về doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, thời gian qua, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã lớn mạnh, vươn ra thế giới, song thực sự vẫn thiếu vắng những đơn vị có quy mô đủ lớn, tiềm lực đủ mạnh để giữ vai trò dẫn dắt, lan tỏa, làm chỗ dựa cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển theo.
Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định, các chính sách về phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn vừa qua đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2019 là 14,4%, tăng khoảng 80% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; doanh nghiệp tư nhân hiện đóng góp khoảng 46% Tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn triển khai; chất lượng cải cách, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp cũng còn hạn chế… Trong khoảng 865.000 doanh nghiệp đang hoạt động, 98% là doanh nghiệp tư nhân, quy mô nhỏ và vừa. Riêng quý I-2023, cả nước có 57.000 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hơn 60.000 đơn vị, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, doanh nghiệp đang trong tình trạng ảm đạm, số mới ra đời đã thấp hơn số “ra đi”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho rằng, xét về quy luật thì luôn có sự ra đời cũng như phá sản của doanh nghiệp và đó là diễn biến bình thường. Nhưng nhìn chung, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thường nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Hơn nữa, cần có phân tích sâu cả về diễn biến thực tế, khả năng chống chọi, vượt khó của doanh nghiệp, phân loại khó khăn, vướng mắc, hoàn cảnh ra đời hoặc rút lui khỏi thị trường của các doanh nghiệp… để có đánh giá chính xác, tổng thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp một cách thiết thực.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra đời
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, mục tiêu quan trọng là phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp. Đây là khát vọng lớn, nhằm nâng cao quy mô cũng như thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.
Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, mục tiêu này là thách thức không nhỏ và cần phải có những chính sách đột phá thì mới khả thi, bởi còn nhiều trở ngại cũng như thời gian thực hiện ngắn.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ vừa phải khuyến khích, tăng số doanh nghiệp đăng ký mới vừa hỗ trợ để các doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển; tránh trường hợp số rút lui cao hơn số mới ra đời. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, từ mục tiêu quốc gia, từng địa phương nên đặt mục tiêu về phát triển doanh nghiệp cụ thể, như mỗi năm phải có thêm bao nhiêu doanh nghiệp thành lập mới, với những giải pháp tương ứng.
Các chuyên gia cũng nhất trí, cần xác lập và áp một số chỉ tiêu, chỉ số quan trọng để từ đó đánh giá được thực chất phong trào khởi nghiệp ở mỗi tỉnh, thành phố. Cũng qua đó, sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, để chính quyền dồn sức cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh; tạo niềm tin, hun đúc khát vọng kinh doanh trên diện rộng.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định, để đạt mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp, cần tập trung khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, là những lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích. Để làm được điều này, cần có những chính sách ưu đãi thỏa đáng, phù hợp với tình hình và mục tiêu chung đối với các loại doanh nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh cải cách, đổi mới tư duy trong hoạt động quản lý nhà nước về doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ, các cơ quan quản lý cũng kiên trì 6 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Cụ thể là: Hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19; phát triển doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, tạo cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý đối với công tác phát triển doanh nghiệp.