Sớm nhận biết và xử lý chắp, lẹo mắt
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:07, 10/04/2023
Hiện, mỗi ngày, phòng khám mắt của Bệnh viện Nhi Đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận khá nhiều bệnh nhi bị chắp, lẹo mắt. Một số phụ huynh chưa biết rõ về cách điều trị sao cho đúng, dẫn tới một số trẻ bị biến chứng, lẹo vỡ gây sẹo co rút ở bờ mi hoặc nhiễm trùng bề mặt giác mạc của trẻ.
Theo y văn, chắp mắt, lẹo mắt là những bệnh lý viêm nhiễm ở mi mắt hay gặp ở cả trẻ em lẫn người lớn. Bệnh có thể xảy ra ở mi trên hoặc mi dưới, một mắt hoặc cả hai. Biểu hiện giống nhau là những ổ sưng đột ngột khu trú ở vùng mi mắt, đôi khi sưng tấy lan tỏa gây đau nhức, cộm phù nề mi làm hạn chế tầm nhìn trong giai đoạn viêm cấp.
Chắp mắt xảy ra do tắc nghẽn tuyến tiết bã nhờn của mi mắt (tuyến Meibomius), về bản chất, chắp không liên quan đến nhiễm trùng. Biểu hiện là một khối tròn nhỏ, sưng đỏ, thường ở xa bờ mi, nằm ở trong sụn mi và thường ở mặt trong của mi mắt. Khi lật mi, bác sĩ có thể nhìn thấy được chắp. Nhiều trường hợp có đa chắp, tức là có nhiều đầu chắp trên một mi hay cả hai mi, thậm chí ở cả hai bên mắt.
Khi bị chắp, bệnh nhân thường gặp các triệu chứng như: Sưng mắt, đau, đỏ mắt, cảm giác cộm ở mi mắt. Sau vài ngày, chắp xẹp xuống chỉ còn khối tròn không đau, lớn dần thành một khối màu đỏ trên mi mắt hoặc màu xám dưới kết mạc mi.
Lẹo là một ổ sưng tấy cục bộ cấp tính của mi mắt, có thể bên ngoài hoặc bên trong mi mắt và thường do nhiễm vi khuẩn sinh mủ (tụ cầu vàng) hoặc áp xe. Hầu hết lẹo nằm bên ngoài mi và là kết quả của tắc nghẽn hay nhiễm trùng. Lẹo bên trong rất hiếm gặp.
Khi lẹo mới xuất hiện, mi mắt của bệnh nhân sẽ hơi sưng, đỏ, kèm theo ngứa và đau, rồi nổi lên một cục như hạt gạo, kèm theo chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác như có dị vật ở mắt. Lẹo thường xuất hiện ở ngay bờ mi, dính chặt vào da mi. Sau khoảng 3-4 ngày, lẹo sẽ mưng mủ và vỡ. Lẹo có đặc điểm là rất hay tái phát, có thể bị ở một hoặc hai mi mắt, có khi sưng to cả mi gây sụp mi.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Đồng 1, mọi người đều có thể bị chắp, lẹo mắt, cả người lớn và trẻ em. Ngoài ra, những người bị chắp, lẹo mắt do đã từng bị chứng bệnh này; người có cơ địa có mụn trứng cá đỏ hay viêm da tiết bã; người có bệnh toàn thân như đái tháo đường; người không tẩy sạch vùng mắt khi trang điểm; người dùng mỹ phẩm hết hạn hoặc nhiễm bẩn, không vệ sinh vùng mắt.
“Chắp, lẹo cũng có thể lây từ người này sang người khác nếu sử dụng chung đồ dùng cá nhân. Do đó, người bệnh cần lưu ý: Luôn vệ sinh, rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào vùng mắt để tra thuốc; không nên dùng kính áp tròng; không trang điểm khi bị chắp, lẹo; không dùng lại thuốc cũ, thuốc đã để lâu; không tự ý nặn mủ hay tra thuốc kháng sinh không theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân bị chắp, lẹo tái phát nhiều lần nên đi khám để tìm nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp”, bác sĩ Ngọc Anh khuyến cáo.
Khi có dấu hiệu bệnh, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị đúng cách. Bệnh sẽ tự khỏi nếu biết giữ gìn và vệ sinh mắt đúng cách. Tuyệt đối không chữa chắp, lẹo bằng cách tự ý nặn mủ, tra thuốc không theo chỉ định vì dễ làm cho tổn thương lan rộng hoặc tái phát, hoặc để lại sẹo xấu gây co rút mi mắt.
“Cần lưu ý rằng, các mẹo dân gian chữa lẹo (như buộc chỉ vào ngón tay) hoàn toàn không có tác dụng trong việc điều trị chắp, lẹo. Bệnh nhân cần đi khám sớm để hạn chế việc chắp, lẹo bị lây lan nhiều ở cả hai mắt”, bác sĩ Ngọc Anh khuyến cáo.