Ba dự án giao thông lớn sử dụng vốn vay ODA bị chậm tiến độ
Giao thông - Ngày đăng : 13:27, 09/04/2023
Thứ nhất, Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ tại tỉnh Nam Định thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) do Ban Quản lý dự án đường thủy làm chủ đầu tư, hiện sản lượng đạt 77%, chậm 10% do nhà thầu thi công chậm.
Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu ký cam kết và tập trung thi công bảo đảm hoàn thành dự án trước ngày 30-6-2023.
Thứ hai là dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (cũng sử dụng vốn vay WB) có tổng chiều dài khoảng 143km, đi qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định. Dự án được đầu tư nhằm góp phần nâng cao năng lực vận hành, khai thác, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 19.
Dự án hoàn thành sẽ góp phần tăng cường khả năng kết nối hệ thống giao thông khu vực Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung và kết nối với các nước Lào, Campuchia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến đầu tháng 4-2023, sản lượng thi công dự án này mới đạt 40,2%, chậm khoảng 7,8% so với kế hoạch.
Với dự án này, Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản đề nghị WB gia hạn thêm 22 tháng, điều chỉnh thời gian hoàn thành từ năm 2023 sang năm 2025.
Thứ ba là dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia tài trợ, nhằm rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về Thủ đô Hà Nội.
Quy mô của dự án gồm 2 tuyến. Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài khoảng 147km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi. Dự án được chia thành 11 gói thầu, dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2024.
Theo tin từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tính đến nay, 8/11 gói thầu đã được triển khai thi công. Ba gói thầu còn lại, công tác lựa chọn nhà thầu rất chậm; kinh phí giải phóng mặt bằng tăng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư. Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng chưa hoàn thiện. Bộ Giao thông - Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ hơn 5.339 tỷ đồng lên hơn 6.000 tỷ đồng.