Hà Nội xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:12, 17/11/2022
Nâng cao giá trị từ thương hiệu
Xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản được các hợp tác xã, người dân trên địa bàn Hà Nội dần coi trọng để nâng cao giá trị sản phẩm. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam (huyện Phúc Thọ) Doãn Văn Thắng, hiện nay, sản phẩm chuối Vân Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Do chất lượng sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và có thương hiệu nên chuối Vân Nam được tiêu thụ mạnh tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Để nâng cao giá trị, hợp tác xã đầu tư 150 triệu đồng xây dựng hệ thống kho lạnh giúp bảo quản chuối lâu hơn, giảm áp lực về thời gian trong tiêu thụ.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên, hiện thương hiệu “Gạo thơm Bối Khê” ngày càng có uy tín trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Sản phẩm sau xay xát được đóng gói, có logo, nhãn hiệu sản phẩm, với giá bán gạo nếp cái hoa vàng hơn 30.000 đồng/kg, gạo Bắc thơm số 7 hơn 18.000 đồng/kg. Do có thương hiệu, sản phẩm gạo của hợp tác xã cung cấp ổn định cho nhiều bếp ăn tập thể, trường mầm non trên địa bàn thành phố.
Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, “chắp cánh” cho nông sản vươn xa và dễ truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, toàn thành phố đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp như: Nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai); Gạo thơm Bối Khê (huyện Thanh Oai); Chuối Vân Nam (huyện Phúc Thọ); Vịt Vân Đình (huyện Ứng Hòa); Gà đồi Ba Vì (huyện Ba Vì)… Sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trong và ngoài thành phố, giá trị tăng 15-20% so với khi chưa đăng ký thương hiệu.
Bên cạnh đó, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể còn giúp các hợp tác xã, nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm; sản phẩm có thương hiệu còn tạo được sức cạnh tranh trên thị trường.
Duy trì và bảo vệ thương hiệu
Hiệu quả của việc xây dựng thương hiệu nông sản đã rõ, nhưng trong quá trình phát triển và mở rộng còn khó khăn do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chưa hiểu đầy đủ tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm nên chưa mặn mà đầu tư. Kiến thức về thị trường và định hướng nâng cao chất lượng để bảo vệ thương hiệu của một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể (hợp tác xã) còn hạn chế. Việc sản xuất manh mún, thiếu liên kết dẫn đến nguồn nguyên liệu không đồng đều, chất lượng không ổn định, sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường…
Để tháo gỡ khó khăn và phát triển thương hiệu nông sản, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) Đoàn Quang Hoài cho biết, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức cho nông dân trong xây dựng thương hiệu nông sản địa phương. Các chủ nhãn hiệu tập thể, người quản lý chỉ dẫn địa lý cần quản lý tốt thương hiệu, xử lý nghiêm sai phạm do lợi dụng danh tiếng đặc sản để kiếm lời.
Xây dựng thương hiệu không khó, nhưng để phát triển, giữ vững thương hiệu sau khi xây dựng là việc không dễ bởi luôn phải bảo đảm chất lượng sản phẩm. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, ngành Nông nghiệp tham mưu thành phố tiếp tục có chính sách phát triển nông nghiệp theo chuỗi gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Sở phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tổ chức hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể; đưa doanh nghiệp vào liên kết với hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Ngành Nông nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, dựa trên lợi thế cạnh tranh của các nông sản chủ lực được lựa chọn xây dựng thương hiệu. Mở rộng và nâng cao diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, thúc đẩy áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nông sản được xây dựng thương hiệu. Cùng với đó là áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến một cách đồng bộ, từ khâu quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, vận chuyển bảo quản, chế biến… Tất cả các khâu phải theo một quy trình chuẩn bảo đảm an toàn thực phẩm, lúc đó nông sản mới được mang thương hiệu.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chọn một số đặc sản tiêu biểu, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chủ động, tích cực tạo giá trị cốt lõi thông qua xây dựng thương hiệu sản phẩm dựa trên chất lượng sản phẩm. Mặt khác, các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần giữ gìn, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thường xuyên trao đổi kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, tạo sản phẩm đặc trưng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.