Kiến nghị quy định các nền tảng xuyên biên giới phải trả phí hạ tầng viễn thông
Xe++ - Ngày đăng : 14:57, 08/04/2023
Theo ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel (Tập đoàn Viettel), doanh thu dịch vụ truyền thống (từ thoại, tin nhắn) của các doanh nghiệp viễn thông ngày càng suy giảm. Ước tính trong quý I-2023, doanh thu từ thoại giảm từ 17% đến gần 20%.
Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội, OTT xuyên biên giới cung cấp tại thị trường Việt Nam lại đang phát triển mạnh mẽ, ước tính có tốc độ tăng trưởng 2 con số. Các công ty nội dung xuyên biên giới này đều cung cấp dịch vụ trên hạ tầng do các nhà mạng trong nước cung cấp, nhưng cơ bản họ không chia sẻ doanh thu cho các nhà mạng Việt Nam. Vì vậy, gánh nặng về hạ tầng, bảo đảm chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông là rất lớn…
Cũng theo ông Cao Anh Sơn, tại Hội nghị Di động thế giới (MWC) 2023 diễn ra tại Tây Ban Nha vừa qua, các nhà mạng trên thế giới đặt vấn đề về “chia sẻ công bằng” trong hợp tác BigTech (chỉ những doanh nghiệp khổng lồ về công nghệ, gồm: Google, Amazon, Facebook, Apple). Theo đó, “chia sẻ công bằng” là các nền tảng xuyên biên giới, OTT phải trả phí hạ tầng cho các nhà mạng nước sở tại. Đây cũng là vấn đề mà Viettel và các doanh nghiệp viễn thông trong nước quan tâm. Các nhà mạng trong nước đều đầu tư lớn cho hạ tầng, nhưng chưa nhận được chia sẻ từ các nền tảng mạng xã hội, OTT xuyên biên giới.
“Chúng tôi đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông có giải pháp để các nền tảng mạng xã hội, OTT khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam phải chia sẻ, hợp tác với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, để vừa bảo đảm quản lý việc cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng, vừa có trách nhiệm phát triển hạ tầng bảo đảm cho người dùng”, ông Cao Anh Sơn đề nghị.
Cùng quan điểm, ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết, các nhà mạng viễn thông trong đó có MobiFone luôn cố gắng đầu tư phát triển hạ tầng hiện đại. Tuy nhiên có một thực tế doanh thu ARPU (chỉ số doanh thu bình quân trên thuê bao) ngày càng suy giảm. Trong khi đó, trên hạ tầng mạng viễn thông, các nền tảng mạng xã hội, OTT xuyên biên giới lại phát triển quá mạnh mẽ.
“Chúng tôi kiến nghị trong dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi cần có quy định yêu cầu nền tảng xuyên biên giới phải tăng cường hợp tác, chia sẻ với nhà mạng tại Việt Nam”, ông Bùi Sơn Nam kiến nghị.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, “chia sẻ công bằng” là một vấn đề rất đáng quan tâm.
Cũng như các nhà mạng trên thế giới, các nhà mạng trong nước phải đầu tư hạ tầng mạng lưới rất lớn, cùng với đó là chi phí vận hành, khai thác lớn. Nhưng nghịch lý là lợi nhuận ngày càng đi xuống; doanh thu từ các dịch vụ thoại, tin nhắn ngày càng giảm vì người dùng chuyển sang dùng các dịch vụ OTT. Trong khi đó, nhà mạng phải chịu áp lực đòi hỏi rất lớn từ người dùng về chất lượng dịch vụ…
“Sắp tới trong quá trình sửa Luật Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất bổ sung các quy định để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trong tiếp cận các dịch vụ tiên tiến; bảo đảm lợi ích cho các doanh nghiệp viễn thông để các nhà mạng trong nước có thể tái đầu tư phát triển các công nghệ mới hơn, tốt hơn nữa để phục vụ chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số”, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã khẳng định.
Trước đó, tại hội thảo World Mobile Broadband & ICT Summit 2023 tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, vấn đề “chia sẻ công bằng” trong hợp tác giữa các nhà mạng trong nước và các BigTech cũng được nêu ra.