Viễn thông phải đẩy mạnh chuyển đổi số
Kinh tế - Ngày đăng : 08:05, 08/04/2023
Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các công nghệ 4.0, dịch vụ viễn thông truyền thống suy giảm và bị bão hòa. Không chỉ vậy, việc có quá nhiều nhà khai thác cùng hoạt động, dẫn tới cạnh tranh quyết liệt khiến mức giá cước thấp làm giảm doanh thu… tạo áp lực trong việc chuyển hướng kinh doanh sang dịch vụ số. Kết quả kinh doanh của các nhà mạng trong những năm gần đây đều cho thấy doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống sụt giảm. Thêm nữa, xu hướng bùng nổ kết nối trí tuệ nhân tạo (AI), chatGPT, mạng ảo, robotics, phần mềm điều khiển eKYC… đòi hỏi chính các ngành Viễn thông phải mở rộng hệ sinh thái và chuyển dịch sang cung cấp dịch vụ, sản phẩm số nếu không muốn bị đào thải.
Phân tích về xu hướng chuyển đổi số, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Văn Tuấn cho biết, tại hội nghị di động thế giới gần đây, việc giới thiệu công nghệ di động đang giảm dần, thay vào đó là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với các ứng dụng, giải pháp cho ngành Viễn thông. Chẳng hạn, vấn đề 5G là một phần không lớn lắm tại MWC 2023, nhưng mở rộng kết nối (connectivity) sang các lĩnh vực khác đang rất được quan tâm.
Về chuyển đổi số với ngành Viễn thông Việt Nam, ông Lê Văn Tuấn nhận định, thị trường viễn thông Việt Nam cũng giống thị trường thế giới đang trong quá trình bão hòa. Tuy nhiên, thị trường cáp quang đến hộ gia đình đang phát triển tốt (tỷ lệ cáp quang đến hộ gia đình là 75% và không nhiều nước trên thế giới làm được) tác động đến rất nhiều mô hình phát triển. Đi kèm với phát triển của cáp quang là sự phát triển của wifi và hệ sinh thái wifi. Khi ngày càng nhiều người kết nối qua wifi đòi hỏi băng thông ngày càng lớn hơn. Đây là những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước trong chiến lược phát triển hạ tầng số, cũng như hệ sinh thái dịch vụ cho khách hàng…
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Yên, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chia sẻ, các nhà mạng còn gặp phải thách thức từ các nhà cung cấp nội dung số (với hạ tầng đám mây siêu quy mô, chuyển dịch khách hàng và dịch vụ vệ tinh). Trước thực tế này, một sáng kiến được 21 nhà mạng lớn trên thế giới đưa ra là “chuẩn hóa mạng lưới mở”, trong đó các nhà khai thác chuyển thành một nền tảng mở, hợp tác với doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trong hệ sinh thái số.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Yên, tính mở đổi mới và linh hoạt là chìa khóa cho phép các nhà khai thác trong nước thúc đẩy cơ hội mới, khai phá sức mạnh của hạ tầng kết nối trong thời đại công nghiệp 4.0. Thêm nữa, việc sở hữu các mạng di động có tính tương tác sẽ là nền tảng để nhà mạng xây dựng mạng lưới linh hoạt phù hợp với xu thế và đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ 5G, IoT, điện toán đám mây và điện toán biên. Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng các giải pháp, như tiết kiệm chi phí chia sẻ cơ sở hạ tầng; hợp tác phát triển hệ sinh thái số. Đặc biệt, các nhà mạng lớn đã đề xuất cần có chính sách chia sẻ công bằng giữa các nhà mạng và nhà cung cấp nội dung số theo hướng các công ty nội dung số phải đóng góp vào chi phí hạ tầng mà họ đang đổ một lượng lớn truy cập vào, đây cũng là vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý trong nước nghiên cứu, áp dụng.
Thực tế, thời gian qua, các nhà mạng trong nước đã đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây để phục vụ cho chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ số. Trong đó phải kể Viettel, CMC khai trương trung tâm dữ liệu mới trong năm 2022, VNG khai trương trung tâm dữ liệu mới đầu năm 2023. Cùng với đó, các nhà mạng đã tích cực chuyển hướng cung cấp các dịch vụ số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số…