Phát huy, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Kinh tế - Ngày đăng : 18:16, 07/04/2023
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, những năm qua, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Tính đến hết năm 2022, cả nước có gần 30 nghìn hợp tác xã (HTX), tăng hơn 2 nghìn HTX, tương ứng 7% so với năm 2021 và 125 Liên hiệp HTX (tăng 18 đơn vị, khoảng 17% so với năm 2021) cùng 71.000 tổ hợp tác.
Các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác đều tăng so với năm 2021. Tổng số thành viên khu vực kinh tế tập thể là gần 8 triệu thành viên, với hơn 5,9 triệu thành viên của HTX, 851 HTX thành viên của liên hiệp HTX và hơn 1 triệu thành viên tổ hợp tác. Tổng số lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 976,3 nghìn người.
So với năm 2021, doanh thu bình quân của HTX năm 2022 đạt 3.592 triệu đồng, tăng 35%; lãi bình quân của 1 HTX đạt 366 triệu đồng (tăng 152 triệu đồng), thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX là 56 triệu đồng/người (tăng 4 triệu đồng, tăng khoảng 8%). Riêng trong quý I-2023, cả nước tiếp tục thành lập mới 562 HTX, giải thể 31 HTX; nâng tổng số HTX cả nước lên 29.909 HTX. Các tỉnh, thành phố có số HTX thành lập mới tiêu biểu, như: Hà Nội (31 HTX), Bắc Giang (26 HTX) và Thái Nguyên (25 HTX).
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể đến nay chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kỳ vọng. Năng lực nội tại của HTX còn yếu, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp; trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Trong bối cảnh mới, phong trào HTX còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; cạnh tranh ngày càng khốc liệt; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra rất nhanh; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi khu vực kinh tế tập thể phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng...
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX. Kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể, kiện toàn nhân sự, bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp để tạo sự thống nhất, toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, tổ chức thực hiện.
Hoàn thiện và trình Trưởng ban chỉ đạo ban hành kế hoạch hoạt động năm 2023; xây dựng và công bố Sách trắng HTX Việt Nam năm 2023. Tăng cường công tác truyền thông về phát triển bằng nhiều hình thức đa dạng; Tổ chức Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX 2023...
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò cũng như sự đóng góp của khu vực kinh tế tập thể thời gian qua. Cần nhận xét, đánh giá đầy đủ thực trạng, nhận diện bất lợi, khó khăn để khắc phục và tập trung phát triển kinh tế HTX tương xứng với tiềm năng và mục tiêu đề ra. Cuộc họp đã tiếp thu nhiều thông tin, ý kiến quan trọng, có tác dụng tích cực để nắm bắt tình hình, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX.
Kinh tế tập thể được xác định là khu vực quan trọng, vì vậy, cần nhận diện hết những hạn chế để tìm cách nâng cao tốc độ tăng trưởng, kết quả kinh doanh, đóng góp của các HTX đối với kinh tế - xã hội thời gian tới. Chính phủ sẽ rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, bổ sung các quy định tạo hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển nhanh, bền vững hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan hữu quan cần ý thức rõ trách nhiệm, tập trung vào những nội dung quan trọng, làm tốt công tác tham mưu, thu thập ý kiến, nhất là cải thiện thủ tục hành chính để HTX ra đời, hoạt động hiệu quả.
Năm 2023, khối lượng công việc nhiều, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp, tranh thủ thời gian để quán triệt nội dung, triển khai công việc trên diện rộng; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật, kịp thời có văn bản hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX.