Du lịch phải là một ngành kinh tế chủ lực của thành phố Hồ Chí Minh

Du lịch - Ngày đăng : 20:35, 07/04/2023

(HNMO) - Hết quý I-2023, du lịch là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng ấn tượng của thành phố Hồ Chí Minh so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả “ấn tượng” như trước dịch Covid-19, thành phố còn phải nỗ lực rất nhiều.

Du khách đã quay lại thành phố Hồ Chí Minh ngày một nhiều hơn.

Tăng trưởng khả quan

Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, hết quý I-2023, tổng lượng khách du lịch đến thành phố đạt 8,6 triệu lượt, tăng 79,17% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu du lịch đạt 36.112 tỷ đồng, tăng 77,2%; dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 37,2%… Lượng khách chủ yếu là đi công tác, thăm thân và du lịch nhóm nhỏ, gia đình.

Đánh giá chung về hoạt động của ngành Du lịch trong 3 tháng đầu năm 2023, UBND thành phố Hồ Chí Minh nhận định, chính quyền thành phố luôn đánh giá cao về ngành Du lịch, vì đây là ngành kinh tế tổng hợp. Nếu làm tốt phát triển du lịch thì góp phần xây dựng thương hiệu và hình ảnh của thành phố. Vì vậy, chính quyền thành phố đã, đang và sẽ tập trung đầu tư cho du lịch.

Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nét độc đáo thu hút du khách.

Một trong những yếu tố mang lại sự tăng trưởng tích cực nêu trên của ngành Du lịch chính là liên kết phát triển. Thời gian qua, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động liên kết với nhiều vùng miền, địa phương trong cả nước, vừa để tạo thêm thị trường du lịch cho người dân thành phố, vừa quảng bá hình ảnh của thành phố đến người dân, du khách cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh coi đây là chiến lược quan trọng để tăng trưởng du lịch trong bối cảnh du khách quốc tế trở lại Việt Nam chưa nhiều.

Nổi bật trong các chương trình liên kết phát triển du lịch là Chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái và thành phố Hồ Chí Minh. Các bên đã ký kết và thực hiện thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2021-2025.

Chương trình liên kết du lịch thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Bắc đạt nhiều kết quả tích cực.

Đánh giá về chương trình này, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai Hà Văn Thắng cho biết, trong năm 2022 và nhất là 3 tháng đầu năm 2023, du khách phía Nam từ thành phố Hồ Chí Minh ra Bắc rất đông, lên Lào Cai nhiều để tận hưởng không gian hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Ngược lại, ngày càng có nhiều người từ Lào Cai và các tỉnh phía Bắc xuôi Nam, chiêm ngưỡng cảnh sông nước mênh mông khoáng đạt. “Hiệu quả của liên kết phát triển du lịch là rất rõ ràng”, ông Hà Văn Thắng nói.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh: “Thành phố Hồ Chí Minh có vị thế là điểm đến của khách du lịch trước khi đến với các địa phương khác. Thành phố có đặc trưng riêng. Việc liên kết du lịch sẽ lan tỏa đặc trưng, thu hút thêm du khách trong và ngoài nước đến thành phố”.

Còn nhiều thách thức

Dù đạt mức tăng trưởng cao trong quý I vừa qua, nhưng nếu so với “đỉnh điểm” du lịch cùng kỳ năm 2019 (trước dịch Covid-19), ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều việc phải làm, bởi các con số nêu trên giảm chung tới 31%. Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, có một số vấn đề nổi lên trong thời gian qua, ngành Du lịch cần phải khảo sát, phân tích chi tiết để thay đổi, thu hút khách nhiều hơn.

Khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh chưa nhiều như kỳ vọng.

Nổi bật là khách đến thành phố Hồ Chí Minh tuy đông, nhưng chủ yếu là khách lẻ, khách nhóm nhỏ hoặc khách đi công tác kết hợp thăm thân. Khách đoàn chưa nhiều, khách quốc tế chưa trở lại đông. Đặc biệt, khách hội nghị, hội thảo (đoàn lớn, ở lâu, chi tiêu nhiều) chưa đạt mức như kỳ vọng. Cùng với đó, lượng khách ghé qua thành phố Hồ Chí Minh rồi ra Bắc hoặc vào Đồng bằng sông Cửu Long nhiều hơn là khách ở lại thành phố. 

“Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nạn kẹt xe; đi lại trong thành phố chưa thuận lợi; chưa đánh thức được tiềm năng du lịch sông nước; sản phẩm kinh tế đêm chưa nhiều; các dịch vụ, sản phẩm du lịch độc đáo chưa đủ để du khách muốn đến, muốn tham gia và muốn tiêu tiền”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhận định.

Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị đến UBND thành phố nhiều nội dung, giải pháp xây dựng và triển khai chiến lược du lịch có sự gắn kết với văn hóa, công thương; quảng bá xúc tiến du lịch gắn với xây dựng hình ảnh thương hiệu thành phố… để thu hút du khách. Đáng chú ý, trong số các kiến nghị là việc đề xuất ngành Giao thông cập nhật quy hoạch 411 bến cảng, bến thủy nội địa, phục vụ phát triển quy hoạch vận tải hành khách, kết hợp du lịch đường thủy. Đề xuất ngành Văn hóa có thêm nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Ngành Du lịch cũng đề nghị ngành Công Thương phối hợp triển khai các đợt kích cầu mua sắm… Cùng với đó, đề xuất UBND thành phố cho phép mở rộng liên kết du lịch trong nước thành liên kết du lịch nước ngoài...

Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực toàn diện để thu hút thêm nhiều du khách đến thành phố.

“Trong tháng 4, Sở Du lịch phải hoàn chỉnh, trình chiến lược và kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển ngành. Đến tháng 6-2023, Sở xác định xong và tham mưu những vướng mắc cần tháo gỡ, những việc cần làm ngay. Các sở cùng phối hợp ngành Du lịch góp phần xây dựng thương hiệu thành phố, để ngành đóng vai trò chủ lực và đóng góp ngày càng lớn cho phát triển”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Tuệ An