Đưa phong trào hiến máu tình nguyện đến từng gia đình, cộng đồng
Xã hội - Ngày đăng : 16:04, 07/04/2023
99% lượng máu tiếp nhận từ phong trào hiến máu tình nguyện
Là người tiên phong tham gia vận động hiến máu nhân đạo, ông Lê Đình Duật, trú tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) nhớ lại, vào những năm cuối của thế kỷ XX, phong trào hiến máu tình nguyện chưa quen thuộc với nhiều người. Thế nên, mỗi khi thấy các tổ, nhóm tình nguyện tuyên truyền về tác dụng, ý nghĩa nhân văn của việc hiến máu, không ít người hoài nghi, tạo ra những rào cản tâm lý, dẫn đến số người hiến máu rất ít. “Ngày ấy, mỗi khi vận động thành công cá nhân nào tham gia, đơn vị nào đăng ký hiến máu, chúng tôi phấn khởi như bản thân đạt được thành tích lớn lao”, ông Duật cho hay.
Đến năm 2000, nhân Ngày Sức khỏe thế giới với chủ đề “An toàn truyền máu bắt đầu từ tôi”, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về việc vận động, khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện, lấy ngày 7-4 hằng năm là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện. Có thể nói, sự kiện ý nghĩa này là “cú hích”, tạo đà đưa phong trào hiến máu tình nguyện lan tỏa, thấm sâu trong đời sống cộng đồng.
Trên tinh thần đó, lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên của phong trào hiến máu tình nguyện là những người tiên phong hiến máu, rồi vận động người thân, bạn bè cùng tham gia. Khi thấy những người xung quanh hiến máu không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, lại có thể góp phần mang lại sự sống cho người bệnh, phong trào hiến máu tình nguyện dần thu hút nhiều người dân tham gia, tạo thành phong trào rộng lớn, có sức sống bền bỉ.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, cả nước hiện có hơn 4.000 câu lạc bộ hiến máu hoạt động với mạng lưới hơn 135.000 thành viên. Không ít câu lạc bộ tập trung những người làm ngân hàng máu “di động”, sẵn sàng tiếp ứng máu cho bệnh nhân bất cứ lúc nào họ cần, như: Câu lạc bộ hiến máu dự bị, câu lạc bộ máu hiếm... Công tác xây dựng lực lượng hiến máu dự bị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng được các cơ quan chức năng triển khai hiệu quả. Nhờ đó, lượng máu nhận về ngày một tăng. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, cả nước vận động và tiếp nhận khoảng hơn 1,4 triệu đơn vị máu, trong đó, lượng máu nhận về từ phong trào hiến máu tình nguyện đạt 99%.
Từ thực tế tiếp nhận, điều phối và sử dụng nguồn máu lớn nhất cả nước, GS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết, hiện nay, lượng máu tiếp nhận cơ bản cung cấp đủ cho điều trị và nhu cầu cấp cứu bệnh nhân. Mừng hơn, nhiều năm trước, người hiến máu chủ yếu là thanh niên, sinh viên tham gia các lễ hội, kỳ cuộc hiến máu lớn, thì những năm gần đây, các hoạt động hiến máu diễn ra liên tục, đến từng cơ sở. Người hiến máu đa dạng lứa tuổi, thành phần, từ người dân, người lao động bình thường, đến cán bộ, viên chức, cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng công an, tăng ni, phật tử…
Để toàn dân tham gia hiến máu
Nguồn máu nhận về từ những người hiến máu tình nguyện giúp rất nhiều bệnh nhân phục hồi sức khỏe, thật đáng quý và trân trọng. Tuy nhiên, số người tham gia hiến máu hiện còn ít so với quy mô dân số (hiện mới đạt tỷ lệ khoảng 1,5% dân số tham gia). Tình trạng thiếu nguồn máu hiếm vẫn xảy ra ở một số nơi, một số thời điểm…
Để toàn dân tham gia hiến máu, Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện các cấp với nòng cốt là mạng lưới Hội Chữ thập đỏ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp vận động, thu hút người dân sẵn sàng làm việc nghĩa.
Tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đào Ngọc Triệu cho biết, các cơ quan chức năng thành phố xây dựng mạng lưới người hiến máu bao phủ nhiều nhóm đối tượng, trải rộng nhiều địa bàn, từ mô hình tổ, nhóm, câu lạc bộ hiến máu, đến gia đình, dòng họ hiến máu, tuyến phố hiến máu, rộng hơn là mô hình xã, phường, thị trấn hiến máu. Trong công tác tuyên truyền, vận động, lực lượng cán bộ, hội viên chữ thập đỏ, thanh niên, sinh viên tình nguyện, cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở là lực lượng hạt nhân, nòng cốt, cũng là người tiên phong, gương mẫu hiến máu, thậm chí hiến nhắc lại nhiều lần. Những tập thể, cá nhân hiến máu tiêu biểu trên địa bàn Thủ đô được biểu dương, khen thưởng kịp thời…
Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội Nguyễn Anh Quân cho biết, song song với công tác tuyên truyền, vận động hiến máu, Hội chủ động phối hợp, kết nối với các cơ quan, đơn vị chức năng hỗ trợ tìm việc làm bán thời gian cho hội viên, tình nguyện viên là sinh viên và tìm việc làm toàn thời gian cho người đã tốt nghiệp. Thấy rõ lợi ích mang lại cho bản thân và những người xung quanh, đa số hội viên, tình nguyện viên của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tham gia hoạt động lâu dài...
Bằng những cách làm cụ thể, sáng tạo, Hà Nội trở thành điểm sáng của cả nước trong phong trào hiến máu tình nguyện với gần 3% dân số tham gia hiến máu. Lượng máu nhận về hằng năm bằng gần 20% tổng lượng máu tiếp nhận từ phong trào hiến máu tình nguyện của cả nước.
Theo Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh, lượng máu nhận về từ những người hiến tặng thường xuyên chất lượng nhất và an toàn nhất. Phong trào hiến máu cần được các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm phát triển nhiều hơn để có thể đến với từng cộng đồng, gia đình, thu hút toàn dân tham gia hiến máu. Về phần mình, hưởng ứng 23 năm Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4/2000 - 7/4/2023), các cấp Hội Chữ thập đỏ triển khai nhiều hoạt động nhằm lan tỏa thông điệp “Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống”, “Hiến máu cứu người, hãy hiến thường xuyên”...