Visa phát triển giải pháp thanh toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:51, 07/04/2023
Trong khuôn khổ sự kiện, các đối tác đã thảo luận nhiều chủ đề xoay quanh hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số và phát triển, định hướng và giải pháp hiệu quả để tiếp cận luồng thanh toán B2B (giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), các phương pháp chiến lược hỗ trợ thanh toán thẻ cho dòng thanh toán B2B và giải pháp chuyển tiền B2B xuyên biên giới.
Theo Visa, thanh toán điện tử đang ngày càng tăng trưởng và được người tiêu dùng ưa chuộng. Nghiên cứu của Visa về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2022 cho thấy, hơn 70% người tiêu dùng Việt Nam đón nhận hình thức Ngân hàng Mở (Open Banking), nhất là các nhà cung cấp dịch vụ phi ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính (fintech), khi cho phép người dùng mở tài khoản liên kết với ngân hàng.
Trong bối cảnh fintech phát triển không ngừng, tiềm năng tăng trưởng lớn xuất hiện không chỉ đối với thanh toán B2C (doanh nghiệp với khách hàng), mà cho cả thanh toán B2B trong nhiều lĩnh vực, giúp doanh nghiệp tìm kiếm và đón nhận cơ hội từ các thị trường mới. Visa ghi nhận, doanh nghiệp hiện nay đa phần sử dụng thẻ doanh nghiệp để thanh toán cho mục đích công tác và công tác phí. Tuy nhiên, giải pháp thanh toán số B2B qua thẻ hoàn toàn có thể được sử dụng trong nhiều nhóm ngành hàng đa dạng hơn, giúp ứng biến trước những khó khăn của chuỗi cung ứng.
Phát biểu tại hội nghị, các ý kiến cũng chỉ ra, hiện nay, các công ty fintech đang hướng đến giải quyết các vướng mắc của mô hình thanh toán xuyên biên giới hiện tại. Trong bối cảnh thị trường giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) ngày càng phát triển, yêu cầu về phương thức thanh toán nhanh chóng, liền mạch, các giải pháp như thẻ phi vật lý sẽ cho phép giảm thiểu độ phức tạp khi giao dịch xuyên biên giới, đồng thời tăng độ minh bạch và kiểm chứng dữ liệu.
Tại Việt Nam, ứng dụng fintech trong B2B đang tạo ra doanh thu và tiềm năng tăng trưởng mới cho các công ty không phân biệt quy mô. Theo nghiên cứu của McKinsey, việc kinh doanh bị gián đoạn do đại dịch đang đẩy nhanh quá trình số hóa tại các doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy thương mại điện tử B2B. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn khi các đơn vị mua hàng B2B dần quen thuộc hơn với các kênh và dịch vụ số.
Chia sẻ ý kiến của mình, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào Đặng Tuyết Dung cho rằng, thị trường số B2B đang trên đà bùng nổ và được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực, và đây là thời điểm hoàn hảo để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước nhập cuộc vào đà tăng trưởng sẽ tiếp diễn này.
Cũng theo chuyên gia này, tại Việt Nam, nông nghiệp, du lịch B2B và ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được kỳ vọng hưởng nhiều lợi ích từ việc tăng cường khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng, các tuỳ chọn và khả năng thanh toán dễ dàng và tiềm năng tăng trưởng doanh thu.
Mặt khác, công nghệ mới còn có thể giúp các tổ chức tài chính hỗ trợ phát hành cho các đối tác tin cậy. Đơn cử, các đơn vị phát hành có thể phát triển mối quan hệ đối tác đang có thành kênh chấp nhận thanh toán, thông qua đó phát hành các thẻ đồng thương hiệu, nhằm hỗ trợ cải thiện năng lực thanh toán B2B và mở rộng tệp khách hàng.