Tổng thống Pháp thăm Trung Quốc: Chung tay ứng phó với thách thức toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 07:28, 07/04/2023
Trung thành với cách tiếp cận nhất quán từ khi nắm quyền, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng mời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cùng tới Bắc Kinh, nhằm thể hiện sự thống nhất của nội bộ châu Âu trong cách tiếp cận với Trung Quốc, đồng thời đưa quan hệ Pháp - Trung lên tầm vóc châu Âu.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã gặp Tổng thống Emmanuel Macron vào ngày 5-4, qua đó không chỉ định hướng sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - Pháp trong tương lai, mà còn làm sâu sắc thêm sự hợp tác trên các lĩnh vực giữa Trung Quốc với Pháp nói riêng và với châu Âu nói chung. Lãnh đạo hai bên cũng đi sâu trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực.
Cùng với đó, Hội nghị Thượng đỉnh ba bên giữa lãnh đạo Trung Quốc, Pháp và Chủ tịch EC đã diễn ra vào tối cùng ngày, trước khi Tổng thống Emmanuel Macron tới thăm thành phố Quảng Châu.
Giới quan sát đánh giá, chuyến thăm lần này của ông chủ Điện Elysee diễn ra trong bối cảnh đặc biệt phức tạp. Quan hệ Pháp - Trung Quốc gần đây không mấy tích cực, bị phủ bóng bởi nhiều vấn đề u ám, đặc biệt là cuộc xung đột tại Ukraine. Mặc dù là nước thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu châu Âu, nguồn vốn từ Trung Quốc vào Pháp chỉ tạo ra số lượng việc làm tương đương với đầu tư từ Bỉ và ít hơn nhiều so với các doanh nghiệp của Thụy Sĩ. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương ở mức hơn 100 tỷ euro, nhưng Pháp thâm hụt đến 50 tỷ euro, tăng mạnh so với mức 30 tỷ euro của năm 2017.
Trong khi đó, dù Trung Quốc là đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn thứ ba của EU và là đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của khối (năm 2022), việc hai bên áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào cá nhân và thực thể của nhau, trong đó có nhiều nghị sĩ, quan chức cao cấp, khiến căng thẳng leo thang. Ngoài ra, thỏa thuận đầu tư toàn diện Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc ký cuối năm 2020 vấp phải chỉ trích kịch liệt, ít có triển vọng được thông qua.
Tuy nhiên, thuận lợi là hai bên đều có lý do để củng cố quan hệ. Pháp cần Trung Quốc đóng vai trò trung gian để tìm ra giải pháp cho tình hình Ukraine, cuộc chiến đẩy kinh tế EU vào khó khăn chồng chất. Mặt khác, bất chấp triển vọng u ám do những diễn biến chính trị trên toàn cầu, hiện 47% doanh nghiệp Pháp có ý định mở rộng đầu tư tại Trung Quốc trong 3 năm tới (theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp). Phát biểu về chuyến thăm, Tổng thống Emmanuel Macron cũng khẳng định sẽ cố gắng thiết lập “mối quan hệ kinh tế cân bằng với Trung Quốc, có lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Pháp”.
Về phần mình, dù có tiềm lực lớn, Trung Quốc hơn bao giờ hết cần giữ ổn định quan hệ với châu Âu nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để tiếp tục phát triển trong bối cảnh tăng trưởng năm 2022 đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Phát biểu về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Pháp, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với châu Âu, đồng thời bày tỏ mong muốn Trung Quốc và EU tôn trọng lẫn nhau, tập trung vào các đồng thuận và hợp tác trước tình hình quốc tế đầy biến động.
Nhìn chung, chuyến thăm của Tổng thống Pháp thể hiện rõ mong muốn của Paris trong việc phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác với Trung Quốc, đồng thời định hướng mối quan hệ trong nỗ lực chung tay ứng phó với các thách thức toàn cầu. Việc hai bên tiếp tục duy trì kênh tiếp xúc cấp cao có tính chất tích cực, xây dựng là “điểm cộng” được quốc tế đánh giá cao.