Thúc đẩy dịch vụ công ngành Bảo hiểm xã hội trên môi trường số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:34, 07/04/2023
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, ngành đặc biệt chú trọng thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, vận hành gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu của 98,7 triệu người dân; đồng thời kết nối liên thông với hơn 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cùng hơn 620.000 tổ chức, doanh nghiệp… tham gia các chính sách. Đây là yếu tố nền tảng để ngành Bảo hiểm xã hội thực hiện các giao dịch liên quan trên môi trường số với hơn 300 triệu hồ sơ giao dịch/năm.
Đi vào từng lĩnh vực có thể thấy rõ hơn những tiện ích khi thực hiện các giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số. Cụ thể, với lĩnh vực bảo hiểm xã hội, hiện nay, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện rất nhiều dịch vụ công qua môi trường số. Phổ biến là dịch vụ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần; giải quyết hưởng chế độ thai sản; giải quyết hưởng chế độ ốm đau; ủy quyền lĩnh thay lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…
“Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh, tôi đã hoàn thành thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, rất tiện ích, lại không mất thời gian đi lại”, anh Nguyễn Nam Anh, trú tại thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) cho hay.
Với lĩnh vực bảo hiểm y tế, hiện cả nước có khoảng 90 triệu người tham gia chính sách, tương ứng với hơn 90% dân số. Riêng quý I-2023, cả nước có hơn 39,62 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bình quân có hơn 330.000 lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế mỗi ngày. Với số lượng giao dịch lớn, nếu tất cả cùng thực hiện theo phương pháp trực tiếp, bệnh nhân bảo hiểm y tế sẽ phải chờ đợi lâu. Song, nhờ có nền tảng số vững chắc, người dân có thể sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử, tích hợp qua ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số hoặc căn cước công dân gắn chíp phục vụ quy trình khám, chữa bệnh, hưởng bảo hiểm y tế...
Về bảo hiểm thất nghiệp, số đông người lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách này tiến hành đăng ký giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Chị Lê Thị Hương Lan, trú tại phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Khi rơi vào cảnh thất nghiệp, đời sống của nhiều người lao động gặp khó khăn. Thế nên, việc thực hiện các giao dịch điện tử sẽ rút ngắn được thời gian giải quyết chế độ, đồng nghĩa người lao động sớm nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp”.
Các hồ sơ, thủ tục, giao dịch về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện trên môi trường số mang lại nhiều tiện ích. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn một số khó khăn do một bộ phận người dân chưa biết sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy vi tính để giao dịch. Đáng nói, những thời điểm có đông người giao dịch cùng lúc có thể xảy ra tình trạng nghẽn hệ thống…
Nhằm củng cố vững chắc hơn nền tảng số, dữ liệu số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục quan tâm nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, bổ sung các tính năng hữu ích trên các ứng dụng số; liên thông với các bộ, ngành chức năng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo nội dung Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06).
Để tất cả hệ thống vào cuộc với nỗ lực, trách nhiệm cao nhất, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thành lập, kiện toàn xong tổ công tác triển khai Đề án 06 trước ngày 10-4-2023; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động để tăng số người sử dụng ứng dụng VssID…