Bức tranh lao động, việc làm sáng màu hơn

Kinh tế - Ngày đăng : 12:14, 06/04/2023

(HNMO) - Ngày 6-4, Tổng cục Thống kê họp báo, công bố tình hình lao động, việc làm quý I-2023. Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, thị trường lao động quý I tiếp tục duy trì đà phục hồi.

Tổng cục Thống kê họp báo, công bố tình hình lao động, việc làm quý I-2023.

Lực lượng lao động, số người có việc làm đều tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân theo tháng của người lao động tăng. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động cũng giảm so với quý trước và so với cùng kỳ. Đó là thực tế, chuyển biến đáng ghi nhận. 

Nguyên nhân chủ yếu của sự cải thiện nói trên là do kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng dương, một số ngành sử dụng nhiều lao động như nông nghiệp và xuất khẩu nông sản, du lịch hoặc vận tải đang có cơ hội về thị trường tiêu thụ cũng như phục hồi về nhu cầu trên diện rộng. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã lắng xuống, các hoạt động sản xuất, kinh doanh gần như bình thường trở lại.

Cụ thể, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I là 68,9%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,9% và nam giới là 75,3%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,2%, trong khi đó, tỷ lệ này ở nông thôn là 71,3%. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý I-2023 là 51,1 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ.

Lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,0%, tương đương gần 20 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,9%, tương đương 17,3 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, bằng 27,1%, tương đương 13,8 triệu người. Mặc dù số người có việc làm trên toàn quốc vẫn tiếp tục tăng so với quý trước, nhưng có sự sụt giảm tại một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý I là 7 triệu đồng, tăng 197.000 đồng so với quý trước và tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ. Tính chung quý I-2023, thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả 3 khu vực kinh tế. Tuy vậy, sự gia tăng này không diễn ra đồng đều ở tất cả các ngành kinh tế. Đơn cử, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có tốc độ tăng thu nhập cao nhất.

So với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc lĩnh vực này là 8,3 triệu đồng, tăng 10,1%, tương ứng tăng 766.000 đồng. Nhưng lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,9 triệu đồng, là khu vực có tốc độ tăng thấp nhất, chỉ tăng 9,0%, tương ứng 655.000 đồng so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, so với quý trước, quý I năm nay chứng kiến sự sụt giảm về thu nhập bình quân tháng của người lao động trong một số ngành kinh tế. Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động ngành kinh doanh bất động sản là 10,5 triệu đồng, giảm 2,6%, tương ứng giảm 275.000 đồng; thu nhập bình quân của lao động ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 9,8 triệu đồng, giảm 1,3%, tương ứng giảm 125.000 đồng. Với ngành xây dựng, lao động có thu nhập bình quân là 7,8 triệu đồng, giảm khoảng 1%, tương ứng giảm 41.000 đồng. Số người thiếu việc làm trong quý I-2023 là khoảng 885,5 nghìn người, giảm 12,4 nghìn người so với quý trước và giảm 443,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Điều này thể hiện sự phục hồi khá rõ về việc làm trên phạm vi cả nước, cho thấy bức tranh chung đang sáng màu hơn.

Tổng cục Thống kê nhận định, tình hình thị trường lao động quý I-2023 có xu hướng tốt hơn. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34,6 nghìn người so với quý trước và giảm 65,1 nghìn người so với cùng kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I-2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ. 

Hồng Sơn