Cùng doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển
Chính trị - Ngày đăng : 06:56, 07/07/2016
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn thăm một doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở huyện Thanh Trì. |
Từ thực tế ở huyện Thanh Trì...
Cụm công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì có 34 DN với hơn 20 ngành nghề khác nhau, khoảng 5.000 công nhân. Điểm nổi bật ở đây là gần 10 năm từ khi thành lập đến nay, chưa xảy ra vụ đình công, lãn công nào. Có được kết quả này là nhờ huyện đã làm tốt công tác quản lý, nhất là phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN, giữ mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền với DN. Mối quan hệ với DN đôi khi được vun đắp từ những cử chỉ quan tâm tưởng chừng nhỏ bé như lời Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương: “Ở cụm công nghiệp có hoạt động gì, lãnh đạo huyện đều ưu tiên bố trí tới dự”.
Thanh Trì là đơn vị thứ 13 của thành phố đã thành lập Đảng bộ Khối DN ngoài khu vực nhà nước trực thuộc Huyện ủy. Trụ sở Đảng ủy Khối được đặt tại Cụm công nghiệp Ngọc Hồi, do Giám đốc Ban Quản lý Cụm công nghiệp làm Bí thư. Đảng bộ Khối hiện có 12 chi bộ trực thuộc với 130 đảng viên. Thanh Trì cũng là một trong số ít huyện ngoại thành dù có ít DN, nhưng thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường công tác xây dựng Đảng và đoàn thể nhân dân trong DN ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020" luôn đạt và vượt chỉ tiêu, được thành phố khen.
Năm nay, huyện dự kiến thành lập ít nhất 6 chi bộ trong khu vực này, vượt 1 chi bộ thành phố giao; kết nạp thêm 3 chủ DN vào Đảng. Để thành lập được Đảng bộ Khối, Huyện ủy đã lập đề án chi tiết, “điều” một đồng chí Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy trực tiếp xuống làm công tác chuẩn bị, đồng thời đảm đương chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy Khối. “Đối với Đảng bộ Khối DN ngoài khu vực nhà nước, để thành lập được đã khó, duy trì hoạt động hiệu quả còn khó hơn. Có đồng chí Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy tham gia hướng dẫn tổ chức Đảng thực hiện đúng Điều lệ Đảng và phát triển hơn nữa là điều hết sức cần thiết” - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung cho biết.
Cũng theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, bên cạnh việc thành lập mới tổ chức Đảng, kết nạp thêm đảng viên, huyện thường xuyên đặt vấn đề là phải nâng cao chất lượng chi bộ, tạo được niềm tin của người lao động và chủ DN để họ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên…
... đến yêu cầu đổi mới việc thực hiện Nghị quyết 09
Thực tiễn ở Thanh Trì cho thấy xu hướng phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN ngoài khu vực nhà nước rất tích cực. Mặc dù vậy, không phải ở nơi nào cũng chứng tỏ được xu hướng này, vì những năm qua, toàn thành phố chỉ có trên dưới 10 đơn vị có “truyền thống” hoàn thành tốt các chỉ tiêu. Trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố đã thành lập được 86 tổ chức Đảng (đạt 42,8% chỉ tiêu), 266 tổ chức công đoàn, 3 tổ chức hội phụ nữ, 69 tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên; kết nạp được 439 đảng viên mới, 24.995 công đoàn viên, 130 hội viên hội phụ nữ, 3.673 đoàn viên. Kết quả này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn, bài bản hơn của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương.
Những chỉ đạo mới đây của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy đã chỉ rõ những vấn đề cốt lõi mà các cấp ủy cần quan tâm, tập trung thực hiện. Theo đồng chí Đào Đức Toàn, việc thành lập các tổ chức Đảng trong DN ngoài khu vực nhà nước phải hết sức khoa học, biện chứng không thể làm theo lối cũ, lối mòn, nếu không sẽ làm mất uy tín của Đảng. Trước hết, cấp ủy, chính quyền địa phương cần coi sự phát triển của các DN chính là động lực, là nguồn lực phát triển của địa phương, để từ đó nỗ lực tạo điều kiện, nhất là tạo ra môi trường hoạt động thuận lợi về sản xuất kinh doanh.
Đối với các tổ chức Đảng, đoàn thể trong khu vực này, đồng chí Đào Đức Toàn cho rằng: Sinh hoạt, hoạt động thường rất khó khăn, thách thức, nên đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải nhiệt tình, trách nhiệm, thậm chí là hy sinh cao hơn so với những loại hình tổ chức Đảng, đoàn thể khác. Đặc biệt, tổ chức Đảng, đoàn thể phải trả lời được câu hỏi: Thông qua hoạt động đóng góp được gì cho sự phát triển của DN. Theo Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09, đây là vấn đề có ý nghĩa quan hệ hữu cơ, quan hệ thúc đẩy, quan hệ máu thịt giữa tổ chức Đảng, đoàn thể với DN. Có trả lời được câu hỏi đó, các tổ chức Đảng, đoàn thể mới có uy tín, có tiếng nói trong DN.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phân tích, các DN ngoài khu vực nhà nước nên tích cực tạo điều kiện để thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể, vì các tổ chức này sẽ hỗ trợ, giúp DN quản lý tốt hơn về con người, phát huy được tinh thần đoàn kết, khơi dậy các phong trào thi đua... Đây còn là cách DN thể hiện trách nhiệm xã hội, trước hết là trách nhiệm với địa phương nơi mình đứng chân, bởi đóng góp của DN không chỉ có thuế, làm công tác từ thiện mà còn giữ ổn định chính trị - xã hội. “Thành lập các tổ chức Đảng và đoàn thể trong DN ngoài khu vực nhà nước không nằm ngoài mục đích là giúp cho DN ngày càng ổn định hơn, phát triển thuận lợi, mạnh mẽ hơn. Kinh nghiệm cho thấy, DN nào có tổ chức Đảng và đoàn thể hoạt động tốt thì chắc chắn nơi đó DN đó hoạt động hiệu quả, ngày càng phát triển” - Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.