Xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại, có bản sắc

Chính trị - Ngày đăng : 06:39, 07/07/2016

(HNM) - Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã thông qua Chương trình 06-CTr/TU về

Phố Xã Đàn, một trong những tuyến phố mới được mở rộng, nâng cấp.Ảnh: Bá Hoạt


Mục tiêu của Chương trình là từng bước xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc; môi trường được cải thiện trên nền tảng phát triển bền vững, năng động; có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối và đồng bộ giữa đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...

Chuẩn hóa quy hoạch, đầu tư các công trình giao thông khung

Để từng bước xây dựng Thủ đô thành một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc; môi trường được cải thiện; hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, có tính kết nối cao..., Chương trình 06-CTr/TU đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng việc tiếp tục rà soát, hiệu chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch đã được phê duyệt trước đây và hoàn thành các quy hoạch mới. Cùng với đó là xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch, đề án theo quy hoạch trong giai đoạn 2016-2020; đồng thời xác định rõ tiến độ, phân công thực hiện bảo đảm đúng mục tiêu, nhiệm vụ mà chương trình đề ra.

Kế thừa những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015, thành phố tiếp tục tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư các công trình giao thông khung, đặc biệt là hệ thống cầu, hầm, từng bước khép kín các đường vành đai, đường trục hướng tâm, đường trục chính đô thị và các công trình cấp bách bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) và chống ùn tắc giao thông...

Dự kiến, nhiều tuyến đường, cầu vượt trọng điểm sẽ được triển khai như: Đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng; mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (phần dưới đất); Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (gồm 2 cầu vượt qua đường Láng Hạ và đường Nguyễn Chí Thanh); đường Vành đai 3,5, đoạn từ đường 32 đến Đại lộ Thăng Long; xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long; xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2... Các tuyến đường sắt đô thị tuyến 3 (đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai) và tuyến 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) sẽ được đầu tư, cùng với việc xây dựng mới các bến xe khách liên tỉnh theo hướng hiện đại để hỗ trợ, giảm tải cho các bến xe đang khai thác hiện nay; đồng thời tăng cường mạng lưới giao thông công cộng, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, định hướng đến năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy...

Trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, thành phố sẽ rà soát, hiệu chỉnh quy hoạch cấp nước, với mục đích tăng cường sử dụng nước mặt, hạn chế sử dụng nước ngầm. Bên cạnh đó là việc hoàn thành giai đoạn 2 dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội để giải quyết úng ngập cho khu vực nội thành. Thành phố sẽ tổ chức nghiên cứu triển khai dự án thoát nước lưu vực Sông Nhuệ và đầu tư cho hệ thống thoát nước tại các quận Long Biên, Hà Đông; đồng thời tiếp tục tạo lập hệ thống cây xanh đồng bộ, đa dạng sinh học, cũng như các hệ thống chiếu sáng, thu gom và xử lý chất thải, hệ thống nghĩa trang...

Tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường

Cùng với chuẩn hóa quy hoạch, triển khai đồng bộ các quy hoạch, Hà Nội chọn những vấn đề nổi cộm để chỉ đạo quyết liệt, giải quyết triệt để. Trong quản lý trật tự xây dựng, tiến tới 100% công trình trong đô thị và khu vực nông thôn đã có quy hoạch phân khu, phải được cấp phép xây dựng; giải quyết dứt điểm các tồn tại về vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch. Đồng thời, không để phát sinh công trình "siêu mỏng, siêu méo".

Trong lĩnh vực đất đai, thành phố đặt mục tiêu xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn tại, vướng mắc và hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cùng với đó, thành phố sẽ ưu tiên các nguồn lực để tạo quỹ đất sạch theo quy hoạch, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, khai thác hiệu quả quỹ đất, phát huy nguồn lực tài chính từ đất... Trong lĩnh vực môi trường, thành phố chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường nước, không khí, kiểm soát phát thải từ đầu nguồn; tập trung các nguồn lực để đầu tư công trình xử lý chất thải, nước thải, hệ thống quan trắc đánh giá tác động môi trường; tiếp tục di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở không phù hợp quy hoạch đô thị...

Phát triển giao thông công cộng, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là một trong nhiều giải pháp nhằm từng bước giảm ùn tắc giao thông ở thành phố.Ảnh: Khánh Huy


Phát triển nhà ở cũng là nội dung được thành phố đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội tập trung thu hút đầu tư thực hiện dự án đô thị Nhật Tân - Nội Bài, đô thị sinh thái ven Sông Hồng; xây dựng các khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại kết hợp với cải tạo, chỉnh trang các khu đô thị, chung cư cũ, tập trung phát triển nhà ở xã hội và xây dựng các khu tái định cư tập trung... Qua đó phấn đấu đưa diện tích nhà ở đô thị bình quân đến năm 2020 đạt 29m2 sàn/người.

Chuyển mạnh sang đầu tư phát triển chiều sâu

Những mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình 06-CTr/TU đặt ra rất lớn và hết sức nặng nề. Vì vậy, để thực hiện thành công, Thành ủy Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính khả thi cao. Trong đó, về cơ chế chính sách, sẽ đề xuất với Trung ương cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù về đầu tư xây dựng, đất đai, giải phóng mặt bằng, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị; thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, dịch vụ công cộng hiệu quả và giảm chi ngân sách...

Cùng với đó, Hà Nội chủ động khai thác, phát huy tiềm năng, nguồn lực, chuyển mạnh sang đầu tư phát triển chiều sâu, chú trọng xã hội hóa đầu tư; ưu tiên nguồn vốn ngân sách kết hợp với thu hút các nguồn vốn ODA, FDI, nguồn vốn của doanh nghiệp, nhân dân, đấu giá quyền sử dụng đất... để có thêm nguồn kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung, hệ thống công viên cây xanh, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và xử lý ô nhiễm môi trường... Có cơ chế thu hút các nhà khoa học, các viện nghiên cứu để ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao phục vụ nhu cầu phát triển và quản lý hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị...

Cải cách thủ tục hành chính và kiện toàn bộ máy cũng được nhấn mạnh, với yêu cầu đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết từ khâu quy hoạch, chuẩn bị đầu tư dự án, thiết kế đến thẩm định, phê duyệt và giải phóng mặt bằng. Trách nhiệm của từng cấp, ngành, cá nhân, người đứng đầu, trong quá trình xây dựng, phát triển và quản lý đô thị, đất đai, môi trường... được xác định rõ. Theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, ngay trong năm 2016, nội dung Chương trình 06-CTr/TU sẽ được phổ biến, quán triệt sâu rộng đến các cơ quan liên quan, từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện trong cả nhiệm kỳ. Giai đoạn 2016-2019 tập trung thực hiện các đề án, dự án, chuyên đề, kế hoạch công tác. Hằng năm có kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện. Đến năm 2020 sẽ tổng kết trước khi tổ chức Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Một số chỉ tiêu chủ yếu Chương trình đề ra đến năm 2020

- Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt từ 20 đến 25%.
- Diện tích đất dành cho giao thông tăng từ 0,3 đến 0,5% đất đô thị/năm, đưa tổng diện tích đất dành cho giao thông đạt từ 10 đến 13% đất đô thị.
- Phấn đấu trồng 1 triệu cây xanh, tăng diện tích cây xanh trên đầu người, đưa hệ thống cây xanh trở thành một bộ phận quan trọng trong bộ mặt cảnh quan đô thị.
- Từ Vành đai 3 trở vào trung tâm sẽ hạ ngầm, sắp xếp các đường dây đi nổi trên các tuyến phố chính. Tại các khu đô thị mới phát triển, đô thị vệ tinh và các tuyến đường mới hạ ngầm 100%.
- 95-100% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn; 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.
- Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý tại khu vực đô thị đạt 95-100%, tại khu vực nông thôn đạt 90-95%;
- 100% chất thải y tế được xử lý.
- 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn quốc gia tương ứng.

Tuấn Lương