Đỗ xe song song - bài thi khó "nhằn" gây tranh cãi trên mạng
Xe++ - Ngày đăng : 14:55, 06/07/2016
Hình ảnh minh họa việc đỗ xe song song - Ảnh: Google |
Theo thông tư 58/2015/TT - Bộ GTVT, kể từ ngày 1-4-2016, quy định mới về việc thi bằng lái xe các hạng B1, B2, D và E… có phần phức tạp và khó khăn hơn.
Trong đó, phần thi sa hình ở nội dung ghép xe vào nơi đỗ được phân bổ lại như sau: hạng B1, B2 và C thực hiện đỗ xe vuông góc (ghép hình dọc); hạng B1, B2, D và E thực hiện đỗ xe song song (ghép hình ngang).
Người dự thi có tối đa 2 phút để tiến, lùi xe tấp vào lề đường để đậu trong khi khoảng giữa còn trống và “bị khóa” ở đầu và đuôi bởi hai xe đã đậu trước đó, với khoảng không gian có chiều dài 6,45 m và rộng 2,2 m.
Khi lọt vào ô trống ngang, hai bánh trước-sau ở bên phải xe không được cán vào vạch chỉ đen có gắn thiết bị cảm ứng, nếu “đè vạch” xem như bị loại.
Clip Kỹ thuật đỗ xe song song - Nguồn: Youtube |
Anh K.L, người có hơn 5 năm kinh nghiệm lái xe với mức độ lái thường xuyên, cho biết: “Bài thi này khá khó, phải nắm rõ lý thuyết lẫn thực hành nhuần nhuyễn, phải thường xuyên chạy và đỗ xe. Tuy lái xe nhiều năm, bản thân anh cảm thấy đỗ xe song song chưa tốt lắm”.
Theo nhiều bác tài, nội dung mới này cũng thú vị, chỉ có điều thời gian 2 phút khá khó cho người mới lái.
“Nhiều lúc, tôi thấy mấy chị em phụ nữ đã cầm lái khá lâu cũng gặp trở ngại trong việc đỗ xe song song. Có cho ra thi cũng tốt, nhưng đánh đố về lượng thời gian thực hiện. Riêng tôi, thi thoảng mất gần 10 phút để lọt vào giữa 2 xe vì vừa canh xe vừa xem chừng dòng xe lưu thông trên đường. Nếu chỉ đỗ không, 2 phút cũng quá ít so với người mới lái” - anh Tú, nhân viên văn phòng marketing Q.1, lái xe mỗi ngày đến công ty cho biết.
Tuy nhiên, thầy N.V.Hùng (hiện làm việc tại trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe quận Thủ Đức) khá đồng tình với quy định mới này.
“Bài thi càng khó, càng tốt cho học viên và xã hội. Khi gặp trường hợp thực tế, người lái có thể xử lý, đâu phải lúc nào cũng có người giúp mình đỗ xe”, anh cho biết.