Facebook giả, tai họa thật

Xã hội - Ngày đăng : 11:39, 06/07/2016

Thảng thốt và bối rối khi bắt gặp mình trong một trang Facebook giả mạo, đó là cảm giác của nhiều người.

Hiện nay, lượng Facebooker (người sử dụng Facebook) ở Việt Nam đã chiếm khoảng 2% số người dùng toàn cầu và xếp thứ 10 thế giới về số “tín đồ” của mạng xã hội này. Theo thống kê mới đây, trong tổng số hơn 41 triệu người sử dụng Internet, Facebooker Việt đã cán mốc 30 triệu thành viên.

Bên cạnh những tiện ích trong kết nối, giao lưu, chia sẻ thông tin, Facebook cũng tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường, mà một trong số đó là nạn giả mạo tài khoản Facebook của người khác để sử dụng vào các mục đích đen tối.

Thảng thốt và bối rối khi bắt gặp mình trong một trang Facebook giả mạo, đó là cảm giác của nhiều người. Tuy nhiên, nên xử lý như thế nào là một câu hỏi khó, bởi đây là một trong những chuyện “đau đầu” nhất hiện nay trong thế giới “ảo”.

Một trang Facebook giả mạo.


Hệ lụy khó lường

Theo thống kê của Facebook, người Việt hiện nay đang tốn 2,5 giờ mỗi ngày để lướt “Phây” (Facebook). Con số này cao hơn 13% so với mức độ sử dụng Facebook trung bình của thế giới. Nhiều Facebooker “than” rằng, cuộc sống không biết sẽ ra sao nếu thiếu “Phây”, khi mà nhu cầu giao tiếp trong thế giới “ảo” đã được xếp ngang hàng với… ăn ngủ. Cùng với tốc độ “phủ sóng” của mạng xã hội này, thì hiện tượng giả mạo Facebook của người khác đang gia tăng nhanh chóng và đem lại cho “khổ chủ” những hệ lụy khó đo đếm.

Phân tích về thủ đoạn và mục đích của những kẻ lập Facebook giả mạo người khác, Trung úy Trịnh Công Anh, trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) – Công an TP Hà Nội nói: “Nạn nhân bị làm giả tài khoản Facebook chủ yếu là những người của công chúng, như nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên, hoa hậu, người mẫu….

Thủ đoạn phổ biến là khai thác hình ảnh, tên tuổi của nạn nhân đầy rẫy trên mạng hoặc lấy từ trang Facebook “chính chủ”, để lập tài khoản Facebook mang tên họ. Cũng có thể đối tượng “hack” (tấn công) tài khoản Facebook của nạn nhân, chiếm quyền quản trị rồi mạo danh người đó để thực hiện các hành vi khác nhau. Mục đích giả mạo Facebook cũng rất đa dạng.

Từ thực tiễn công tác, chúng tôi thấy đối tượng thường hướng đến 3 mục tiêu. Một là, để nhân danh nạn nhân tung tin thất thiệt, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín danh dự, nhân phẩm của người khác. Đây là chiêu “mượn dao giết người”, bởi vì nạn nhân chắc chắn sẽ bị “dính” vào những phiền toái bất ngờ. Do đó, thủ phạm nhiều khả năng có mâu thuẫn, thù tức với họ.

Điển hình như vụ ca sỹ U.L (Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2010) bị trang Facebook giả mạo đưa lên những “status” sai sự thật, gây hại cho uy tín, danh dự của cô. Hai là, lợi dụng danh tiếng của nạn nhân để quảng cáo, bán hàng hóa, sản phẩm. Hiện nay vẫn tồn tại trên mạng hàng loạt trang Facebook giả mạo Hoa hậu M.P.T để quảng cáo hàng hóa, khiến người đẹp này khốn đốn vì bị hiểu nhầm.

Ba là, lợi dụng uy tín xã hội, lượng fan hâm mộ của nạn nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc hô hào quyên góp từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, lừa nạp thẻ điện thoại, vay tiền…. chẳng hạn như vụ trang Facebook giả danh diễn viên D.H để mượn tiền bạn bè; trang Facebook giả của cố ca sỹ Wanbi T.A kêu gọi mọi người quyên góp trả giúp anh khoản nợ 6 tỷ đồng.

Thậm chí đã xuất hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản. Đó là khi nạn nhân “chịu hết nổi”, đành xin đàm phán với kẻ mạo danh, chúng yêu cầu phải trả tiền mới khóa trang hoặc trao quyền quản trị trang Facebook giả mạo, hoặc trả tiền để được yên ổn. Bốn là, lập Facebook giả để phát tán mã độc, virut trong các nội dung đăng tải như hình ảnh, video clip… dẫn dụ người dùng khác truy cập vào. Điều này giúp chúng dễ dàng “hack” được mật khẩu và chiếm quyền quản trị các tài khoản Facebook khác”.

Hành vi bị cấm

Thượng úy Nguyễn Thành Nghị - (Đội phó, Phòng PC50 – Công an TP Hà Nội) cho biết: Hành vi giả mạo tài khoản Facebook của người khác bị pháp luật nghiêm cấm và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Anh cho biết: “Theo Luật Công nghệ thông tin 2006, hành vi lập này bị nghiêm cấm. Kẻ giả mạo Facebook của người khác, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và mức độ thiệt hại, có thể bị xử lý hành chính, hoặc hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật (như laptop, điện thoại…).

Chẳng hạn, việc giả mạo Facebook của người khác nhưng chưa gây hậu quả, có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (theo Điểm d, Khoản 5, Điều 6 - Nghị định 63/2007/NĐ-CP). Còn nếu sử dụng Facebook giả để phát tán thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, có thể bị truy cứu TNHS về tội “Làm nhục người khác”, theo Điều 121- Bộ luật Hình sự; hoặc tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” theo Điều 226. Nếu sử dụng trang Facebook giả mạo để lừa đảo” hay cưỡng đoạt tài sản, tùy theo mức độ hậu quả, có thể bị truy cứu về tội: “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b, Bộ luật này.

Đối phó với Facebook giả

Theo thống kê của Facebook, ước tính có tới 20-30% tài khoản là giả mạo, còn theo Công ty An ninh mạng Bkav Security thì trung bình mỗi tháng xuất hiện hơn 1.000 trang giả mạo Facebook nhằm lấy cắp thông tin tài khoản, lừa tiền người dùng. Tuy nhiên, đến nay chưa có cách nào để thanh lọc triệt để số hàng “Fake” (giả mạo) này. Vì thế bức “tường lửa” tối ưu nhất để bảo vệ mình trong thế giới “ảo”, đó là sự tỉnh táo và thận trọng. Ngoài ra, cần “giắt lưng” những thủ thuật để hạn chế đòn tấn công của những kẻ giấu mặt.

Trung úy Trịnh Công Anh tư vấn: “Đối với nạn nhân bị giả mạo cần tránh tư tưởng mặc kệ, “không thèm chấp”, để đến khi hậu quả xảy ra mới loay hoay tìm cách giải quyết. Do đó, cần phải có thái độ tích cực trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm.

Nhấn nút “Report” để báo cáo về trang Facebook giả mạo.


Việc cấp bách cần làm ngay khi phát hiện bị giả mạo trên Facebook, đó là giúp cộng đồng mạng nhận ra tài khoản Facebook mang tên mình đâu là thật, đâu là giả. Có thể thông báo trên tài khoản Facebook của mình về việc bị giả mạo. Có thể sử dụng các công cụ truyền thông khác (như báo chí) để đưa ra thông tin chính thức về sự việc.

Ngoài ra, nên thực hiện các thao tác kỹ thuật trên trang giả mạo (theo hướng dẫn của Facebook) để báo cáo với Trung tâm quản trị, đề nghị khóa các tài khoản này lại. Nếu bị “hack” mật khẩu và mất quyền truy cập vào tài khoản mình đã tạo, hãy tìm hiểu cách khôi phục tài khoản của mình. Khi thấy tình hình đang trở nên nghiêm trọng, hãy trình báo sự việc với cơ quan Công an để được giúp đỡ”.

Với người dùng Facebook, Trung úy Trịnh Công Anh khuyến cáo: “Hãy suy nghĩ kỹ trước khi chấp nhận lời mời kết bạn “add friend” từ người không quen biết trên mạng. Điều đầu tiên là phải đặt câu hỏi vì sao họ muốn kết bạn với mình, họ có bạn bè nào chung với mình hay không. Tiếp đến cần phải kiểm tra kỹ những thông tin, hình ảnh trong tài khoản đó trước khi nhấn nút “add friend” –(kết bạn).

Có thể kiểm tra hình đại diện của trang Facebook đó có trên mạng hay không (qua công cụ tìm kiếm hình ảnh của Google); kiểm tra “album” ảnh của họ. Nếu chỉ có vài hình ảnh linh tinh, hay chật kín ảnh các “hot girl”, hoặc danh sách bạn bè chật kín nhưng đa phần là người nước ngoài…. thì rất có thể tài khoản đó là giả mạo. Nếu nhiều bạn trong nước thì đáng tin cậy hơn. Tại mục “timeline” – (dòng thời gian) của người đó thấy không thường xuyên cập nhật “status” (trạng thái), hoặc chỉ đăng những dòng vô nghĩa thì khả năng là hàng “fake” khá cao.

Khi đọc những thứ họ viết trên “Phây”, hãy sử dụng trực giác để đánh giá xem điều đó có đáng tin hay không. Tại phần giới thiệu của trang, không thấy hiển thị bất kì một thông tin cá nhân nào, thì đó cũng là dấu hiệu đáng ngờ. Nếu một người bạn trước đó đã “add” với mình, sau lại xuất hiện tài khoản mới mời kết bạn. Chỉ cần tinh ý sẽ nhận ra được đâu là tài khoản giả mạo qua cách sử dụng ngôn ngữ là thói quen của người bạn đó.

Có một cách nhanh chóng phát hiện ra “Phây” thật, đó là kiểm tra phần chia sẻ trên Facebook xem người đó có thường được bạn bè “tagg” – (gắn thẻ) từ các tài khoản khác hay không. Nếu là chủ “Phây” thật, sẽ thường xuyên được “tag”. Trang giả mạo ít có dấu hiệu này.

Trong tương tác Facebook hàng ngày, cần cảnh giác với những gì không bình thường. Nếu một người chưa từng gặp bạn, sống cách nhau hàng trăm km, thổ lộ rằng họ thích bạn thì điều này thật kỳ lạ. Có thể sự quan tâm thái quá ấy không vì mục đích gì, nhưng cũng có thể họ muốn lừa tiền và tài sản của bạn. Với những lời đề nghị trên Facebook liên quan đến vật chất (vay mượn tiền, cào thẻ điện thoại, quyên góp ủng hộ từ thiện…), nếu có số điện thoại của chủ “Phây”, nhất thiết phải gọi kiểm tra trước khi mở ví rút tiền ra gửi, vì rất có thể người bạn đó đã bị “hack” Facebook, hoặc lời yêu cầu đó tại trang giả mạo. Nếu không có cách nào liên lạc, cần thận trọng và cân nhắc kỹ có nên đáp ứng hay không. Tuyệt đối không đưa lên tài khoản Facebook của mình những thông tin cá nhân quan trọng, như số tài khoản, địa chỉ nhà, các số điện thoại, email, hay đăng tải ảnh, video có tính chất khoe khoang sự giàu có hoặc con cái… Bởi vì điều này khác nào gọi “đạo tặc” đến nhà.

Xin lưu ý là bọn tội phạm cũng sử dụng Facebook như chúng ta, thậm chí đây là kênh quan trọng để chúng phát hiện con mồi. Nếu có bạn trên “Phây” nào thường trò chuyện và đặt ra những câu hỏi “sâu” về nghề nghiệp, địa chỉ, gia đình, sinh hoạt, công việc, sở thích… cần thận trọng khi chia sẻ thông tin. Bởi vì rất có thể đó là tên tội phạm giấu mình đang moi hỏi từ bạn những điều chúng muốn biết. Khi cảm thấy một quan hệ nào đó không an toàn trên mạng, hãy dứt khoát chặn lời mời, hủy kết bạn hoặc chặn vĩnh viễn tài khoản đó”.

Theo CAND