Khó giám sát, hậu kiểm thu phí đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ
Giao thông - Ngày đăng : 11:33, 06/07/2016
Vị trí một trạm thu phí tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: Quang Cường/Vietnam+) |
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ngày 29/6 vừa qua, Tổng cục Đường bộ đã cử cán bộ xuống trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ để kiểm tra tình hình khắc phục một số thiếu sót tại đây.
Kết quả kiểm tra hệ thống thiết bị thu phí cho thấy, các trạm thu phí đã được kết nối về trung tâm điều hành. Tuy nhiên đơn vị vẫn chưa áp dụng thẻ từ (theo báo cáo của đơn vị thu phí thì mới in được 32.000/40.000 thẻ), do vậy vẫn dùng vé thường kết hợp thẻ mở barie cưỡng bức theo từng chủng loại xe. Vì vậy, phần mềm quản lý thu phí chưa hỗ trợ được việc trích xuất báo cáo số thu phí của từng loại vé, từng ca, từng ngày, từng tháng.
Đối với hệ thống phần mềm thu phí lưu giữ được hình ảnh chụp phương tiện từ 26/4-29/6 (đến thời điểm kiểm tra), hình ảnh video chỉ lưu giữ được 4-5 ngày. Đặc biệt, hệ thống hoạt động chậm, thường bị treo máy khi muốn xem lại dữ liệu video.
“Với hiện trạng hệ thống thiết bị, phần mềm quản lý thu phí như trên, việc kiểm tra, giám sát doanh thu thu phí của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ gặp nhiều khó khăn”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ đánh giá.
Về doanh thu thu phí, theo báo cáo của đơn vị cho thấy, kết thúc tháng 1/2016 đạt hơn 41 tỷ đồng, tháng hai và ba khoảng 36 tỷ đồng, tháng tư và năm doanh thu thu phí “tăng vọt bất thường” lên hơn 50 tỷ đồng ngay sau khi Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) - một trong ba cổ đông trong liên danh nhà đầu tư của tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ cho rằng, doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc mà liên danh này báo cáo các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như thông báo cho các cổ đông là chưa sát với thực tế đồng thời đặt ra “nghi vấn” thất thoát phí và đề nghị thanh tra về hoạt động thu phí của tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ.
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, Tổng cục triển khai thành lập Đoàn kiểm tra, xác định doanh thu thu phí trạm Pháp Vân-Cầu Giẽ trong vòng 10 ngày đầu tháng bảy này.
Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác giám sát thu phí được công khai và minh bạch đối với các dự án BOT, Tổng cục Đường bộ vừa có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho đơn vị này xây dựng hệ thống giám sát thu phí tập trung để chống thất thoát doanh thu tại các trạm thu phí với đề án “Tăng cường giám sát và công khai minh bạch doanh thu thu phí đối với các dự án đường bộ có thu phí”.
Cụ thể, đề án sẽ tập trung vào việc xây dựng các giải pháp tăng cường giám sát thu phí; hệ thống giám sát lưu trữ dữ liệu thu phí và cung cấp báo cáo, thống kê về giá vé, lượng xe qua trạm, doanh thu thu phí do nhà đầu tư báo cáo hàng tháng, quý, năm để cơ quan quản lý Nhà nước đối chiếu… Đặc biệt, thông tin thu phí nói riêng và thông tin về các dự án đầu tư theo hình thức BOT nói chung sẽ được truyền trực tiếp từ trạm thu phí đến các trang thông tin điện tử của các ngành để nhân dân được biết và cùng tham gia giám sát.
“Hiện nay, Tổng cục Đường bộ được giao xác nhận doanh thu thu phí của các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, việc xác nhận này chưa có cơ sở để đối chiếu mà chỉ dựa trên số báo cáo của nhà đầu tư. Khi đề án được thực hiện, thông tin khai thác từ hệ thống giám sát thu phí sẽ là cơ sở pháp lý để Tổng cục kiểm tra, xác nhận số liệu với nhà đầu tư”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh đến sự cần thiết của đề án này.
Nếu được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận và thông qua, đề án dự kiến sẽ được triển khai ngay trong tháng 10-12/2016 tới đây.
Vào đầu tháng năm vừa qua, CIENCO 1 đã liên tục có văn bản đề nghị thanh tra về hoạt động thu phí của tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ do “nghi ngờ” thất thoát phí khi Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ (MPC) cung cấp những số liệu doanh thu các trạm thu phí theo tháng rất sơ sài, thiếu các số liệu về chủng loại xe qua các trạm thu phí mỗi ngày, trong khi đây là công cụ quan trọng phản ánh thực tế thu phí.
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ theo hình thức BOT có tổng chiều dài khoảng 29km với tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt đường chính tuyến đã hoàn thiện xong và được thu phí từ ngày 6/10/2015. Giai đoạn 2, mức đầu tư là 4.757 tỷ đồng, tiếp tục mở rộng thêm 2 làn, xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5m, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp 4 đồng bằng để đến đầu năm 2018 đưa vào khai thác. Dự án đầu tư, nâng cấp đường Pháp Vân-Cầu Giẽ do liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát và Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành làm chủ đầu tư. Với tỉ lệ góp vốn 65%, Công ty Minh Phát giữ vị trí Tổng giám đốc tại công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ - là đơn vị chịu trách nhiệm vận hành, quản lý tuyến cao tốc. Số vốn còn lại của CIENCO 1 và Phương Thành lần lượt là 18% và 17. |