Hàng trăm giáo viên bị huyện chấm dứt hợp đồng
Giáo dục - Ngày đăng : 08:40, 06/07/2016
Một số giáo viên huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) vừa bị UBND huyện thông báo chấm dứt hợp đồng đến trao đổi với PV ngày 4-7 - Ảnh: Hà Đồng |
Trong số giáo viên này có nhiều thầy cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh. Nguyện vọng của các giáo viên là được tiếp tục giảng dạy để có thu nhập ổn định hằng tháng dù mức lương không cao; được đóng BHXH, BHYT, BHTN...
Giáo viên gửi đơn
kêu cứu
Trong lá đơn kêu cứu tập thể của gần 400 giáo viên, nhân viên hợp đồng làm việc ở ngành GD-ĐT huyện Vĩnh Lộc gửi các cơ quan chức năng huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT có nêu số giáo viên này đã gắn bó với bục giảng, học sinh tại địa phương trên dưới 10 năm nay.
Thầy Trịnh Hồng Thước (34 tuổi) - giáo viên hợp đồng Trường tiểu học xã Vĩnh Phúc - buồn rầu nói: “Tôi đi dạy hợp đồng trong ngành giáo dục huyện Vĩnh Lộc từ năm 2006, với mức lương lúc đó được 511.000 đồng/tháng (chưa trừ khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN tự nguyện).
Sau 10 năm công tác, đến năm học 2015-2016 vừa qua, mức lương của tôi ký hợp đồng với UBND huyện cũng chỉ được 1,7 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ tiền đóng các loại bảo hiểm tự nguyện nêu trên, thu nhập hằng tháng của tôi chỉ còn 1,1 triệu đồng. Vợ tôi cũng là giáo viên hợp đồng của huyện nên thu nhập tương tự.
Với mức lương hằng tháng thấp như vậy, vợ chồng tôi phải làm thêm ruộng vườn ở quê, chăn nuôi gia súc, gia cầm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Dù mức lương giáo viên hợp đồng còn thấp nhưng vì tình yêu nghề, vợ chồng tôi vẫn tha thiết mong được UBND huyện Vĩnh Lộc tiếp tục ký hợp đồng để cuộc sống gia đình đỡ chật vật hơn...”.
Còn cô Trần Thị Huệ (27 tuổi), giáo viên hợp đồng dạy môn toán tại Trường THCS xã Vĩnh Thịnh, vừa nhận được thông báo của UBND huyện Vĩnh Lộc chấm dứt hợp đồng từ ngày 30-6, nói như muốn khóc: “Tôi thuộc diện con gia đình chính sách vì bố là thương binh nặng, được UBND huyện ký hợp đồng từ năm 2010 với mức lương lúc đó là 630.000 đồng/tháng (đến nay được 1,7 triệu đồng/tháng, chưa trừ tiền đóng các loại bảo hiểm tự nguyện - PV).
Với đồng lương ít ỏi, chồng không có việc làm ổn định, hiện mưu sinh ở quê nên cuộc sống của hai vợ chồng, hai con nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. UBND huyện vừa có quyết định chấm dứt hợp đồng với tôi nên từ tháng này tôi không có lương, gia đình lại càng khốn khó hơn”.
Qua tìm hiểu của phóng viên, số giáo viên, nhân viên hành chính ngành GD-ĐT hợp đồng tại huyện Vĩnh Lộc có mức thu nhập đến năm học 2015-2016 vừa qua là 1,7 triệu đồng/tháng đối với người tốt nghiệp ĐH; 1,6 triệu đồng/tháng với tốt nghiệp CĐ; 1,5 triệu đồng/tháng đối với tốt nghiệp trung cấp; nguồn chi lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng được lấy từ ngân sách UBND huyện.
Toàn bộ số giáo viên, nhân viên hành chính này được UBND huyện Vĩnh Lộc ký hợp đồng từng năm; UBND huyện có thể tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo phản ảnh của đa số giáo viên dạy hợp đồng, việc UBND huyện chấm dứt hợp đồng với giáo viên là vội vàng, chưa tiến hành thương lượng mức hỗ trợ đối với giáo viên.
Trong khi đó, hầu hết số giáo viên hợp đồng đều có độ tuổi trên dưới 30, phần lớn có trình độ ĐH, CĐ sư phạm, đã đứng lớp nhiều năm nên bây giờ chuyển đổi nghề nghiệp rất khó khăn.
Huyện làm theo chỉ đạo của tỉnh!
Ngày 4-7, trao đổi với phóng viên về vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Văn Tâm - Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc - khẳng định: việc UBND huyện dừng không ký lại hợp đồng lao động đối với các trường hợp hết hạn hợp đồng lao động, đang làm việc tại các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp, các trường học thuộc UBND huyện quản lý, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện là theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể là thực hiện công văn số 7369/UBND-THKH (ngày 27-7-2015) của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận công chức, hợp đồng lao động trên địa bàn toàn tỉnh; và thực hiện kế hoạch số 14-KH/TU (ngày 7-4-2016) của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, công văn số 6356/UBND-THKH (ngày 17-6-2016) của UBND tỉnh về việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, đợt này UBND huyện không ký hợp đồng với 376 giáo viên, nhân viên hành chính hợp đồng tại các trường học; 30 hợp đồng lao động tại cơ quan UBND huyện và 13 hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp của huyện...
Ông Nguyễn Văn Tâm cho biết thêm qua rà soát trong tổng số biên chế giáo viên của huyện hiện đang thừa, chủ yếu là giáo viên dạy môn văn hóa cấp THCS. Trong khi đó, huyện lại thiếu giáo viên môn đặc thù (tin học, ngoại ngữ, nhạc, mỹ thuật).
Tuy nhiên để được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng tiếp đối với giáo viên dạy các môn đặc thù, UBND huyện phải xin ý kiến, được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh.
Hiện nay, UBND huyện đang xây dựng cơ chế hỗ trợ cho giáo viên vừa chấm dứt hợp đồng nêu trên với mức hỗ trợ tối đa.