Những "viên gạch" đầu tiên
Văn hóa - Ngày đăng : 07:10, 06/07/2016
Vở diễn "Lion King" của Nhà hát Nhạc kịch Shiki. Nguồn: http://www.japantimeline.jp |
Nhạc kịch là loại hình sân khấu trong đó kết hợp ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa. Điểm khác biệt của nhạc kịch với opera là thể loại này tập trung cho hội thoại, đồng thời sử dụng các thể loại âm nhạc đại chúng, thịnh hành nên rất hấp dẫn khán giả trẻ. Sân khấu nhạc kịch nổi tiếng nhất thế giới có tên là Broadway tại New York (Mỹ), với hệ thống các nhà hát lớn nhỏ được đầu tư hoành tráng, lộng lẫy. Tại đây, khán giả hoàn toàn bị choáng ngợp từ không gian, kiến trúc, ánh sáng, cách chuyển đổi sân khấu sau mỗi màn, cho đến các diễn viên tài năng bậc nhất thế giới. Một lần được bước lên sân khấu này là mơ ước của bất cứ nghệ sĩ nào. Đây cũng là điểm đến thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao với khán giả am hiểu nghệ thuật. Bởi vậy, trong giới âm nhạc và sân khấu, người ta quen gọi cách xây dựng một vở nhạc kịch tương tự là broadway.
Còn nhớ hè năm 2012, một nhóm du học sinh chuyên ngành nghệ thuật đã làm nên cơn sốt tại Thủ đô với sân khấu thử nghiệm biểu diễn ca nhạc, diễn kịch độc thoại và trình diễn vũ đạo có tên “Góc phố danh vọng”. Khán giả, phần lớn là người trẻ, đã tỏ ra rất hứng thú khi được tiếp cận và có những hình dung nhất định về sân khấu broadway. Năm sau, dự án kép gồm hai vở ca nhạc, kể chuyện “Góc phố danh vọng” và “Đêm hè sau cuối” của họ tiếp tục để lại cho Hà Nội một mùa hè sôi nổi và ấn tượng. Phản ánh câu chuyện này, Hànộimới từng băn khoăn: Những sinh viên chưa hoặc không chuyên đã mang được một thể loại sân khấu danh tiếng về Việt Nam, kéo được khán giả tới sân khấu, tại sao những người có tâm huyết và chuyên nghiệp lại không?
Thì đây, dự án nhạc kịch “Majorin, cô bé phép thuật” sẽ là câu trả lời. Sẽ không phải là sự xâu chuỗi những trích đoạn nhạc kịch kinh điển được viết lại lời Việt và các ca khúc quốc tế “thời thượng” như trong “Góc phố danh vọng”, tác phẩm tới đây là một vở diễn có kịch bản liền mạch, âm nhạc riêng, vũ đạo đương đại do ê kíp từ Nhà hát Shiki - một trong 5 nhà hát nhạc kịch hàng đầu thế giới chuẩn bị. Nhà hát đã mua bản quyền để đưa nhạc kịch broadway từ Mỹ về dàn dựng với đối tượng phục vụ chính là thanh, thiếu niên. Hiện danh mục biểu diễn thường xuyên của đơn vị lên tới hàng chục vở và luôn chật khán giả. Hợp tác với Nhà hát Shiki lần này đối với Nhà hát Tuổi trẻ không chỉ là cơ hội để cùng tạo nên tác phẩm đỉnh cao trong sân khấu mà còn mở ra hướng đi cho đơn vị trong xã hội hóa các loại hình nghệ thuật để phục vụ công chúng ngày một tốt hơn.
Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - NSƯT Trọng Thủy, Trưởng ban dự án cho biết, vở nhạc kịch sẽ huy động trên 40 nghệ sĩ, trong đó có 22 diễn viên. Đợt đầu, Nhà hát đã chọn lựa được khoảng 20 nghệ sĩ trong đơn vị, nhưng cũng không nhiều người đáp ứng được cả 3 kỹ năng ca hát, nhảy múa và diễn xuất, nên dự án đang tuyển thêm người có năng khiếu. Cuối tháng 8, các thành viên của Nhà hát Shiki sẽ sang Việt Nam để tìm kiếm một lần nữa những gương mặt mới. Diễn viên trúng tuyển được các chuyên gia hàng đầu đào tạo kỹ năng biểu diễn ca, múa, kịch trong vòng 3 năm trước khi dựng vở.
Dường như có một sự thừa nhận ngầm rằng nếu là “sao” trên sân khấu nhạc kịch broadway thì điều đó đồng nghĩa với việc chạm tới đỉnh vinh quang của ngành sân khấu. Cơ hội ấy giờ đây đang mở ra với không ít nghệ sĩ và những ai muốn dấn thân cho nghệ thuật này...