Chi tiêu ngân sách: Phải tiết kiệm và hiệu quả!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 06/07/2016

(HNM) - Những diễn biến từ tình hình thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, nhu cầu chi quá lớn (kể cả phần trả nợ quốc gia) so với khả năng thu. Vì vậy, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách là đòi hỏi cấp thiết trong thời điểm hiện nay.

Trước hết, siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách cần được hiểu dưới hai góc độ, gồm thu ngân sách và chi ngân sách. Đối với thu ngân sách, phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý thu, chống thất thu, chống nợ đọng và đặc biệt là phải bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tăng trưởng ổn định sẽ tăng đóng góp nguồn thu cho ngân sách. Thứ hai, trong điều kiện nguồn thu sụt giảm, nhất là thu từ dầu thô liên tục “phá đáy” thì phải kiên quyết không chi ngoài dự toán, trừ những trường hợp phát sinh, cấp bách, chi bảo đảm an sinh xã hội.

Trong hàng loạt giải pháp nhằm tiết kiệm chi tiêu ngân sách, Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm 10% khoản chi tiêu thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là trong hoạt động bộ máy, đồng thời giảm chi phí khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước, lễ hội… Tuy nhiên, giải pháp căn cơ cũng luôn là "bài toán" khó: Làm thế nào để tăng nguồn thu bền vững và cơ cấu các khoản chi tiêu bảo đảm tính hợp lý, minh bạch, hiệu quả?

Thực tế cho thấy, việc phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, bán doanh nghiệp và tài sản nhà nước… chỉ là những giải pháp mang tính tình thế. Thậm chí, có những giải pháp tiềm ẩn rủi ro, di hại cho cả thế hệ mai sau - nếu như các khoản thu vốn đã hạn hẹp lại bị chi tiêu sai địa chỉ, thậm chí lãng phí. Do đó, vấn đề cốt lõi của yêu cầu thu ngân sách bền vững vẫn là phải gia tăng nội lực nền kinh tế nhằm tạo nguồn thu ổn định lâu dài. Đó là việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển, hoàn thiện chính sách thuế hợp lý, nhằm phát huy khả năng đóng góp và kích thích việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và người dân đối với ngân sách quốc gia.

Thực tế cũng cho thấy, muốn cân đối thu - chi phải triệt để đẩy mạnh tính hiệu quả của thu ngân sách ở từng đơn vị, địa phương cụ thể. Trong đó, "địa chỉ" có thể giảm chi được là: Mua sắm tài sản công, xây dựng trụ sở, đi công tác nước ngoài và hướng tới tinh giản biên chế hoặc khoán chi trong những đơn vị có thể tự thu, tự chi. Gắn với đó, Nhà nước phải bảo đảm công bằng, công khai các khoản chi ngân sách nhà nước để xã hội có thể giám sát.

Mặt khác, dù có gia tăng nguồn thu mà chi tiêu hoang phí thì thâm hụt ngân sách vẫn là câu chuyện dài dài. Do đó, trên cơ sở thực thi nghiêm chỉnh Luật Ngân sách nhà nước 2015, việc nâng cao trách nhiệm giải trình, quy kết trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra tình trạng sử dụng ngân sách kém hiệu quả, nhất là ở các địa phương, sẽ là một trong những giải pháp tích cực phát huy hiệu quả thu - chi ngân sách. Khi kỷ luật ngân sách được bảo đảm, tình trạng đầu tư công kém hiệu quả, lãng phí ngân sách quốc gia được đẩy lùi..., mỗi một đồng tiền của người nộp thuế sẽ được sử dụng đúng mục đích, tạo niềm tin trong nhân dân.

Tất cả những vấn đề trên đang đặt ra thách thức rất lớn đối với việc siết chặt kỷ luật ngân sách quốc gia. Nếu không chi tiêu một cách tiết kiệm và hiệu quả chắc chắn sẽ để lại hệ lụy lâu dài, nhất là khi nợ công quốc gia vẫn đang trong xu hướng tăng.

Đan Nhiễm