Các tỉnh bị ảnh hưởng sự cố Formosa sẽ được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, XKLĐ
Đời sống - Ngày đăng : 23:26, 05/07/2016
Chiều tối ngày 5/7, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB& XH cho hay, ước tính khoảng 263 nghìn lao động ở 4 tỉnh ven biển miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa (FMS) gây ra. Trong số đó khoảng 100 nghìn người bị ảnh hưởng trực tiếp còn lại bị ảnh hưởng gián tiếp. Người dân các tỉnh này sẽ được Bộ LĐTB&XH hỗ trợ dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động.
Trước đó Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng đã làm việc với hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, dự kiến sẽ làm việc tiếp với Quảng Bình, Hà Tĩnh. Quan điểm của Bộ vẫn là chú ý đến sinh kế của người dân và Bộ sẽ có đề án tổng thể về dạy nghề, việc làm, XKLĐ để hỗ trợ các tỉnh. Theo đó, một số chương trình XKLĐ chi phí thấp do Bộ LĐTB&XH trực tiếp triển khai sẽ được ưu tiên hỗ trợ cho người dân ở các tỉnh bị ảnh hưởng này.
Đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, Chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS) vừa mới được ký kết lại, năm nay chỉ tiêu là 3.500 người sẽ dành ưu tiên cho huyện đặc biệt ven biển bị ảnh hưởng, đồng thời Bộ cũng tạm dỡ bỏ lệnh hạn chế một số huyện có lao động cư trú bất hợp pháp đi XKLĐ, tức lao động các huyện này vẫn được tham gia XKLĐ.
Tiếp đến là chương trình đi Nhật Bản, chi phí thấp nhưng người tham gia XKLĐ phải đủ điều kiện sức khoẻ, ngoại ngữ sẽ được đi học 6 tháng và tất cả chi phí học đó do tổ chức Nhật Bản tài trợ. Chương trình này được phân bố đều cho các tỉnh bị ảnh hưởng.
Ngoài ra Bộ còn triển khai hai chương trình nữa đó là đưa điều dưỡng viên đi Nhật và đi Đức. Các chương trình này cũng sẽ ưu tiên đào tạo miễn phí. Điều kiện những người tham gia có bằng cử nhân, cao đẳng điều dưỡng. Con em của các tỉnh này đáp ứng được điều kiện mà mong muốn tham gia thì Bộ sẽ hỗ trợ tham gia chương trình.
Ngoài ra, Bộ cũng chỉ thị cho các đại diện của mình tại Hàn Quốc và Đài Loan làm việc với doanh nghiệp sở tại nhằm tăng thêm chỉ tiêu cho Việt Nam làm việc theo chương trình tàu cá gần bờ. Đặc biệt, mới đây Chính phủ Thái Lan cũng cho biết từ 1/7/2016, Thái Lan sẽ chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam, trước hết là hai nghề đánh bắt gần bờ và xây dựng.
Bộ đã chỉ đạo 6 doanh nghiệp thí điểm và 4 trung tâm giới thiệu việc làm giảm chi phí thấp nhất chi phí cho lao động. Nếu lao động tại các nơi này có nhu cầu và đủ điều kiện, chất lượng tham gia các thị trường này thì Bộ cũng sẵn sàng giao cho cơ quan chức năng hỗ trợ nhất là chương trình làm việc ở Thái Lan. Vì đây chương trình có chi phí thấp do Thái Lan gần Việt Nam cũng như Bộ Lao động Thái Lan cam kết là không có chi môi giới.
Còn các chương trình do doanh nghiệp thực hiện thì Bộ sẽ yêu cầu Cục quản lý lao động ngoài nước mời các doanh nghiệp có uy tín, triển khai tốt để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Được biết, về chính sách hỗ trợ, Bộ LĐTB&XH sẽ trình Chính phủ, nếu những lao động nào thuộc hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do sự cố FMS sẽ được phép áp dụng cơ chế của Nghị định 71 về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Đối với những lao động khác, không thuộc hộ nghèo thì áp dụng theo Nghị quyết 61 đối người dân bị thu hồi đất.
Còn về kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, XKLĐ sẽ không lấy từ tiền bồi thường thiệt hại từ Công ty FMS mà từ ngân sách nhà nước tức là từ nguồn chi thực hiện các chính sách thường xuyên của Bộ LĐTB&XH. Các chính sách này đã có, vấn đề là tăng cường thêm nguồn lực.
Bộ LĐTB&XH cũng khẳng định, trong bất kỳ tình huống nào thì Bộ cũng phải chuẩn bị phương án chủ động nhất để hỗ trợ người dân có sinh kế mới. Bộ thực hiện theo tinh thần khẩn trương nhất. Có những chính sách cần trình Thủ tướng thì chờ Thủ tướng quyết định, còn những chính sách mà Bộ có thể làm được ngay thì Bộ sẽ làm. Đề án này không chỉ kéo dài 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm, chừng nào môi trường biển trở lại trong sạch, chừng nào người dân có thể sống được với nguồn lợi từ biển thì chừng đó đề án này mới có thể kết thúc.