Thị trường chứng khoán Việt Nam: Brexit chỉ là "dư chấn" nhỏ
Tài chính - Ngày đăng : 07:18, 05/07/2016
Thị trường chứng khoán Việt Nam ít chịu tác động bởi Brexit. |
Không là ngoại lệ, TTCK Việt Nam cũng có một ngày u ám bởi cú sốc Brexit. Trong phiên giao dịch ngày 24-6, ngay thời điểm mở cửa, khi kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý ở Anh nghiêng về phe ủng hộ rời EU, thị trường đã đỏ sàn, VN-Index có lúc giảm 34 điểm. Tuy nhiên, giới đầu tư không mất bình tĩnh quá lâu, vì chiều cùng ngày, thị trường đã "hãm" đà mất điểm, giúp chỉ số VN-Index chỉ giảm 11,5 điểm khi đóng cửa. Còn chỉ số HNX-Index đóng cửa phiên giảm ít hơn, 1,71 điểm, tương đương 2%. Mặc dù hai chỉ số chứng khoán chính không giảm quá sâu, nhưng với lượng cổ phiếu bán ra tăng đột biến so với những ngày trước đó, thị trường ghi nhận một phiên "bốc hơi" hàng nghìn tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân - Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nếu chỉ nhìn diễn biến một phiên, có thể thấy thị trường đã phản ứng mạnh với Brexit. Mức giảm tới 34 điểm tương đương mức giảm của ngày 8-5-2014, khi xảy ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông. Tuy nhiên, nếu VN-Index ngày 8-5-2014 giảm 34 điểm lúc đóng cửa thì VN-Index ngày 24-6-2016 chỉ giảm 11,5 điểm. Kết quả khác nhau của thị trường trong hai phiên này được ông Nguyễn Đức Hùng Linh lý giải là do nhà đầu tư đánh giá ảnh hưởng từ Anh đến Việt Nam còn xa và mức độ không lớn. Ngoài ra, nền tảng thị trường đang trong trạng thái tốt, VN-Index liên tục đi ngang ở vùng cao nhất trong 10 tháng qua. Nhờ đó, lực cầu bắt đáy mạnh, giúp tính thanh khoản tăng trở lại, VN-Index hồi phục hơn 2/3 số điểm bị mất ngay trong ngày.
Với TTCK thế giới, Brexit được ví như một "cơn lốc" cuốn đi những nỗ lực trong nhiều năm, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, với gần 21.000 tỷ USD "bốc hơi" khỏi thị trường. Nhưng, đà lao dốc cũng sớm bị chặn lại, bởi nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, Anh phải mất ít nhất là 2 năm nữa mới hoàn thành thủ tục để tách khỏi EU. Thêm vào đó, việc Anh đi hay ở vẫn còn chưa thật sự ngã ngũ và còn quá nhiều chuyện phải bàn, vì thế, giới đầu tư toàn cầu nói chung, cũng như giới đầu tư trong nước nói riêng, chưa phải lo lắng tác động của Brexit tới nền kinh tế Việt Nam.
Trong suốt 4 phiên kể từ ngày 27-6, chỉ số VN-Index liên tục ghi điểm, với 4 phiên tăng, đưa chỉ số này đóng cửa ở 632,26 điểm. Như vậy, mốc 630 điểm của chỉ số VN-Index không còn bị đe dọa bởi Brexit. Tương lai của thị trường thế nào, liệu Brexit có tiếp tục tác động tới Việt Nam?
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, ảnh hưởng trực tiếp, bao gồm thương mại và đầu tư, từ Brexit đến Việt Nam không đáng kể. Tuy nhiên, những ảnh hưởng gián tiếp, như dòng vốn và tỷ giá, sẽ tác động nhiều hơn đến nền kinh tế Việt Nam... Nhiều chuyên gia khác cũng nhận định, thị trường tài chính toàn cầu có tính liên thông nên ảnh hưởng tiêu cực là không tránh khỏi, nhưng chỉ trong ngắn hạn. Thị trường tài chính phụ thuộc vào niềm tin, nếu niềm tin bền vững thì dòng vốn đổ vào, nếu bất ổn thì phản xạ đầu tiên là bán ra. Anh tách khỏi EU sẽ ảnh hưởng tiêu cực ngắn hạn, nhưng giúp cho sự cạnh tranh của khu vực Đông Nam Á có nhiều lợi thế. Với những nhà đầu cơ muốn tạo khủng hoảng để kinh doanh thì đây là cơ hội.
Theo bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc Chuyên môn phân tích - Công ty Chứng khoán VNDirect, thị trường hồi phục ấn tượng, vững vàng. Hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán hầu như không ảnh hưởng; doanh nghiệp vay ngoại tệ, như yên Nhật, USD có ảnh hưởng đôi chút nhưng chỉ là biến động ngắn hạn. Nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, chủ yếu là dệt may và thủy sản, cũng không ảnh hưởng nhiều, do tỷ trọng xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, Châu Á lớn hơn EU. TTCK được coi là kênh "nhạy cảm" nhất với các biến động của nền kinh tế, do vậy, khó tránh khỏi ảnh hưởng của Brexit. Tuy nhiên, giới đầu tư không nên quá lo lắng mà "trốn chạy" khỏi thị trường.