Cần những cơ chế, chính sách đột phá
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:40, 05/07/2016
Trong đó, lĩnh vực trồng trọt giảm mạnh nhất (tới 3%) do gánh chịu thiệt hại kép cả về diện tích và sản lượng đối với nhiều loại cây trồng như lúa, ngô, khoai, đậu tương, mía đường… Phía sau những con số không vui này còn có một điều đáng suy nghĩ hơn - đây là lần đầu tiên sau 10 năm, nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm.
Nước ta vốn được coi là cái nôi của nền văn minh lúa nước, hạt gạo gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc. Vì thế, khi cây lúa không khẳng định được thế mạnh, khi ngành nông nghiệp nói chung không đảm nhận được vai trò “trụ đỡ”, thì sự phát triển kinh tế đất nước sẽ chịu những tác động mạnh. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2016 tăng 5,52%, dù cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012-2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015. Và chắc chắn điều đó sẽ gây những khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng GDP trong cả năm 2016.
Trở lại với vấn đề tăng trưởng âm trong lĩnh vực nông nghiệp, về khách quan, thời gian qua ngành nông nghiệp phải căng mình đối phó với những tác động không thuận lợi của thời tiết và biến đổi khí hậu mà điển hình là rét đậm, rét hại; mưa đá; xâm nhập mặn; hạn hán kéo dài... Lấy ví dụ, như ước tính của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng. Đặc biệt, sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa diễn ra đã khiến sản lượng khai thác thủy sản của 4 địa phương từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế sụt giảm gần 69.000 tấn…
Tuy nhiên, việc lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng âm còn bởi hậu quả của một số nguyên nhân chủ quan khiến cho việc tăng trưởng thiếu bền vững, chỉ mới ở chiều rộng mà thiếu chiều sâu. Trước hết, sản xuất nông nghiệp luôn đóng góp khoảng 19-20% vào GDP của Việt Nam nhưng tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp là thấp, mới chỉ đạt khoảng 5-6%.
Điều đó khiến nhiều địa phương không có nguồn lực đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn: Ngành nông nghiệp hiện nay cần có ba đột phá trong đất đai, khoa học - công nghệ và thể chế. Ví dụ, các doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp thì cần phải có đất đai, nhưng phần lớn diện tích sản xuất hiện nay do các hộ dân quản lý và sử dụng do vậy rất khó có được “mặt bằng” đáp ứng yêu cầu đầu tư. Một vấn đề khác, hiện có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguyên nhân là vì rất khó vay vốn của ngân hàng do ngân hàng lo ngại sẽ bị nợ xấu. Rồi việc thiếu sự quan tâm thỏa đáng và sự đầu tư cần thiết các tiến bộ về khoa học - công nghệ cho sản xuất nông nghiệp dẫn đến năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa như mong muốn…
Đặc biệt, trong xu thế hội nhập hiện nay chúng ta cần xây dựng được thương hiệu hàng hóa. Làm được điều đó phải có sự liên kết trong chuỗi sản xuất của người dân và doanh nghiệp, có như vậy mới nâng cao được giá trị hàng hóa của sản phẩm. Lấy ví dụ, việc xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như lúa, hồ tiêu, chè, cà phê… luôn nằm trong tốp đầu thế giới, song đó mới chỉ là sản lượng còn giá trị lợi nhuận thu về là không cao…
Để giải quyết những tồn tại nêu trên, yêu cầu hàng đầu hiện nay là cần sự đầu tư thỏa đáng trong xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, ổn định khu vực nông thôn, hỗ trợ nông dân một cách thiết thực, hiệu quả; đặc biệt là những cơ chế, chính sách đột phá, mang tính động lực, có tầm nhìn chiến lược và dài hạn đối với sự phát triển chung của ngành nông nghiệp - chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng tính cạnh tranh và giá trị hàng hóa… Có như vậy mới có thể cải thiện đời sống của người nông dân, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, tương xứng với tiềm năng và để ngành này thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế đất nước.